Dù đa số người dùng Android chưa có cơ hội dùng thử phiên bản 5.0 Lollipop song các chuyên gia công nghệ đã có đủ thời gian để trải nghiệm và đánh giá về hệ điều hành này.

Ấn tượng chung là nền tảng này chạy ổn định, nhanh, nuột, có nhiều cải tiến. Nhưng sau một thời gian tìm hiểu, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra những vấn đề nho nhỏ, gây ra sự phiền toái và không thật thoải mái khi sử dụng. Đáng nói hơn là hầu hết những vấn đề này không tồn tại ở các phiên bản Android trước đó. Điều này có nghĩa là với Lollipop, Google cải tiến rất nhiều nhưng cải lùi cũng không ít.

Trang PhoneArena thậm chí còn tỏ ra bất ngờ khi Google quyết định phát hành Lollipop theo hướng ít tùy biến và linh hoạt hơn hẳn so với các phiên bản tiền nhiệm. Dưới đây là 6 điểm thụt lùi đáng nói nhất ở Lollipop:

1. Không có chế độ Silent

{keywords}

Thực sự khó hiểu vì sao Google lại đột ngột gỡ bỏ lựa chọn này khỏi hệ điều hành. Phải chăng hãng nghĩ rằng người dùng không muốn điều chỉnh âm lượng xuống mức cực tiểu nữa? Bạn không thể để điện thoại ở chế độ "Chỉ có rung" và càng không thể tắt âm tiếng hoàn toàn điện thoại. Tất nhiên, bạn có thể khôi phục phần nào chế độ Silent của các phiên bản Android cũ thông qua cài đặt của Chế độ Ưu tiên (Priority Mode) mới, nhưng rõ ràng, con đường này không hề trực quan và thân thiện với người dùng chút nào.

2. Các ứng dụng xâm lấn vào chế độ Ưu tiên

{keywords}

Không rõ đây là lỗi của Google hay các nhà lập trình đã khai thác được một lỗ hổng ở Lollipop để làm việc này, song dường như nhiều ứng dụng đã "tấn công" được vào chế độ Ưu tiên của Lollipop. Chúng có thể rung chuông bất cứ khi nào tùy thích, trong khi công năng của Priority Mode là để tắt âm tiếng mọi sự can thiệp của bên thứ ba và chỉ cho phép điện thoại thông báo về cuộc gọi đến, tin nhắn, sự kiện, nhắc nhớ mà thôi. Các tin nhắn WhatsApp, thông báo về quà tặng trong game hay update của Google Now hiển nhiên không thuộc diện được ưu tiên. Ấy thế nhưng Google lại cho phép các nhà lập trình tự phân loại ứng dụng của họ là loại được ưu tiên cao hay ưu tiên ít, thay vì để cho người dùng có quyền lực này.

3. Menu ứng dụng đang mở quá rối rắm

{keywords}

Chỉ cần dùng Android 5.0 trong nửa tiếng là bạn đã phát hiện ra menu ứng dụng mới mở gần đây rối như canh hẹ. Thông thường, bạn sẽ tìm thấy mỗi ứng dụng được mở gần đây dưới dạng một tấm card, nhưng bây giờ, cùng một ứng dụng lại được tách ra thành nhiều card cùng lúc, khiến cho menu đã rối lại càng thêm rối. Cũng không có nút "Clear all" (xóa hết) nên những tấm card này sẽ trụ lại đó kể cả khi bạn khởi động lại máy. Vì thế, bạn sẽ buộc phải xóa chúng bằng tay, từng cái một.

4. Không có widget ở màn hình khóa

{keywords}

Dù đây chưa bao giờ là tính năng đáng chú ý nhất, nhưng khả năng chèn một widget lên màn hình khóa luôn là một phần không thể tách rời của Android, cho đến khi Lollipop xuất hiện. Màn hình khóa mới rất gọn gàng và nuột nà, nhưng tất cả những ai đã quen với việc bố trí widget nghe nhạc tiện lợi ở ngay màn hình này sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng.

5. Quá tập trung vào thiết kế nên hy sinh trải nghiệm người dùng

{keywords}

Nhờ ngôn ngữ thiết kế mới mang tên Material Design, Google đã gần như là lột xác giao diện người dùng của Android. Thế nhưng việc tập trung quá nhiều vào phần thị giác và đồ họa đã khiến cho trải nghiệm người dùng tổng thể bị ảnh hưởng. Việc phải quệt tay (swipe) tới hai lần cho mỗi tác vụ mà trước đây chỉ cần một thao tác duy nhất không thể coi là thân thiện với người dùng được.

6. Bản Lollipop đầu tiên chứa đầy lỗi

{keywords}

Không hệ điều hành nào miễn nhiễm với lỗi cả, dù Android hay iOS cũng vậy. Cả iOS 8 lẫn Android 5 đều dính lỗi kết nối Wi-Fi khi mới phát hành phiên bản đầu tiên. Nhưng trong trường hợp của Android, lỗ hông này sau khi được vá ở bản 5.0.1 và 5.0.2 thì lại xuất hiện thêm lỗi mới, mà đáng nói hơn cả là lỗi quản lý bộ nhớ đang bị rất nhiều người phàn nàn.

  • T.C