- Trước kiến nghị của Viettel về việc giảm giá cước di động ngoại mạng bằng nội mạng, Cục Viễn thông cho rằng, nếu việc này không phá giá thị trường thì doanh nghiệp được phép tự quyết định gói cước. Tuy nhiên, cách tính toán giá thành hiện nay của nhà mạng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý và chưa phù hợp với thực tế.


{keywords}
Viettel tiếp tục kiến nghị giảm cước ngoại mạng bằng nội mạng. Ảnh: T.C

Sáng nay, trong cuộc họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 9/2014 của Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel một lần nữa nêu ra kiến nghị về việc cho phép nhà mạng này áp dụng chính sách một giá cước (nội mạng bằng ngoại mạng) cho tất cả các thuê bao của mình. Theo lập luận của Viettel thì hiện doanh thu từ cước kết nối của nhà mạng này chỉ chiếm 7% tổng doanh thu. Nếu áp dụng chính sách một giá cước thì mức sụt giảm doanh thu cũng chỉ khoảng 1.5%, không ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính của Tập đoàn và hoàn toàn có thể bù đắp bằng lưu lượng sử dụng tăng lên từ phía người dùng. Ông Dũng cũng nhấn mạnh rằng, Viettel đưa ra kiến nghị này sau khi đã "tính toán giá thành dịch vụ".

Đây không phải là lần đầu tiên Viettel nêu ra đề xuất về việc giảm giá cước ngoại mạng. Tại thời điểm ngày 7/7, khi Viettel lần đầu công khai kiến nghị trong cuộc họp sơ kết 6 tháng của Bộ TT&TT, Phó Tổng giám đốc Hoàng Sơn lại cho biết mức cước chênh lệch nội mạng, ngoại mạng của Viettel khoảng 12,6% và mỗi tháng, Viettel chấp nhận giảm khoảng gần 80 tỷ đồng nếu giảm giá cước. Tuy vậy, Viettel tin rằng việc giảm cước có thể giúp nhà mạng này đối phó tốt hơn với các dịch vụ OTT.

Khi đó, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã trả lời Viettel rằng, cơ sở để tính cước ngoại mạng phải dựa trên việc tính toán giá thành dịch vụ, nhằm đảm bảo không có hiện tượng bán dưới giá thành, phá giá thị trường và đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài.

Tại cuộc họp sáng nay, quan điểm này một lần nữa được ông Hải chia sẻ sau khi Viettel nhấn mạnh rằng nhà mạng này đã "tính toán giá thành dịch vụ". Vị đại diện Cục Viễn thông khẳng định rằng, trên nguyên tắc, nếu không phá giá thì Viettel được phép ban hành gói cước theo như kế hoạch của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiện tại chưa thống nhất được cách tính giá thành. Ông Hải cho biết, hiện nay hầu hết nhà mạng đều đang tính giá thành theo phân bổ doanh thu nên giá thành đó chưa phản ánh được chính xác thực tế, có mức độ sai lệch lớn cũng như không phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, Cục đang làm việc lại với doanh nghiệp để nghiên cứu, tìm ra cách tính chính xác, thực tế nhất. Chỉ khi nào tính được giá thành tương đối chính xác thì khi đó, cơ quan quản lý mới để cho doanh nghiệp tự quyết định giá cước và gói cước. Điều này là để đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững, ổn định và lành mạnh về lâu dài.

Phân tích rõ hơn về sự thiếu hợp lý của cách tính giá thành theo phân bổ doanh thu, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nêu ra trường hợp của dịch vụ dữ liệu 3G. Hiện doanh thu từ dữ liệu chỉ chiếm 10% tổng doanh thu của nhà mạng, nhưng đầu tư cho mạng lưới của 3G lại chiếm tới 70-80% tổng vốn đầu tư. Nếu như nhà mạng chỉ tính giá cước theo doanh thu mà không hề khấu trừ chi phí mạng lưới thì sẽ dẫn đến tình trạng giá thành dịch vụ dữ liệu rất thấp còn dịch vụ thoại truyền thống lại cao.

"Ít nhất thì cũng phải tính được giá cước chính xác 60-70% so với thực tế thì mới cân nhắc chuyện giảm cước được. Đây là một đề xuất tác động rất lớn đến thị trường nên đề nghị VNPT và VMS cũng đóng góp ý kiến để việc quản lý giá cước được tốt hơn, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trên thị trường", ông Hải kết luận.

Trọng Cầm