Sau vụ việc công ty Việt Hồng bán phần mềm nghe lén Ptracker khiến 14.000 thuê bao di động có thể bị lộ chuyện riêng tư, người dùng hoang mang: mình có phải là nạn nhân?

Nơm nớp nỗi lo bị nghe trộm

Chỉ cần tìm kiếm ít phút trên Google với từ khóa "phần mềm nghe lén", có thể dễ dàng nhận ra ngoài Ptracker còn hàng loạt các ứng dụng nghe lén như Cell Tracker, Children Tracker, Ear Spy, Mobile Hidden Camera... được rao bán một cách công khai trên mạng với những hướng dẫn cài đặt rõ ràng tới từng chi tiết.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, những phần mềm này không khó để viết ra, nên các phần mềm mới thậm chí mọc ra hàng ngày. Phần mềm nghe lén sau khi được cài vào thiết bị sẽ thực hiện các chức năng ghi âm, chụp hình, đọc tin nhắn, đọc nội dung trong thẻ Sdcard,... nội dung này sẽ được chuyển về máy chủ lưu trữ (server) thông qua mạng Internet (wifi hoặc 3G), người thực hiện nghe lén sẽ kết nối vào máy chủ để nghe nội dung cuộc gọi, xem ảnh được chụp từ camera...

{keywords}
Ảnh minh họa

Thực tế này khiến bất cứ người dùng di động nào cũng lo sợ. Vân Anh - một thuê bao chia sẻ: "Đọc các thông tin này, tôi thấy lo ngại cho cuộc sống của mình và gia đình. Tôi có thể là nạn nhân bị nghe lén lắm chứ. Làm sao để phát hiện mình bị nghe lén, có cách nào để chống nghe lén trên điện thoại di động hay không?"

Anh Chính, một thuê bao VinaPhone chung nỗi băn khoăn: "Khi smartphone bị nghe lén, nhà cung cấp mạng có phát hiện được không? Nếu có thì nhà mạng sẽ cảnh báo khách hàng như thế nào? Làm thế nào để biết những tin nhắn khuyến mại, mời chào có phải tin nhắn lừa đảo hay có chứa mã độc hay không?"

Tự phát hiện, chặn phần mềm nghe lén

Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng di động bình thường sẽ khó có thể phát hiện điện thoại của mình bị tấn công, theo dõi. Tuy nhiên bằng mắt thường, bạn có thể phát hiện mình bị xâm hại khi: điện thoại bị sụt pin nhanh; điện thoại chạy chậm hoặc nóng hơn bình thường kể cả khi không sử dụng; lưu lượng dữ liệu mạng, cước phí tăng bất thường. Đây là những dấu hiệu cho thấy có ứng dụng độc hại đang ngầm có kết nối mạng hoặc gửi tin nhắn tới đầu số tính phí.

Khi đã phát hiện điện thoại bị cấy virus hoặc phần mềm nghe lén thì điều cần làm ngay là gỡ bỏ phần mềm độc hại đó. Cách gỡ bỏ triệt để nhất là sử dụng một phần mềm bảo vệ smartphone uy tín. Để tự bảo vệ mình, người dùng cần cảnh giác trong cài đặt và sử dụng phần mềm trên điện thoại. Ngoài ra, nên giữ điện thoại là vật bất ly thân, không cho người khác mượn sử dụng hay kết nối điện thoại với máy tính một cách tùy tiện.

{keywords}
VinaPhone khuyến cáo khách hàng thận trọng khi cài đặt các ứng dụng, tránh cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc can thiệp quá sâu vào thiết bị.

Trước những lo lắng của khách hàng, nhà mạng cũng rốt ráo tìm các biện pháp để bảo vệ người dùng.

Ông Đoàn Xuân Hợp - người phát ngôn của VinaPhone cho biết: hiện nay xuất hiện hiện tượng các thuê bao bị cài các ứng dụng có chứa mã độc dẫn đến các nguy cơ bị nghe lén, đánh cắp thông tin cá nhân. …Do việc cài đặt trực tiếp trên thiết bị của khách hàng nên VinaPhone không thể (không có quyền) chủ động can thiệp để vào thiết bị của khách hàng để giám sát và có biện pháp ứng phó.

Nhằm bảo vệ quyền lợi và giúp nâng cao nhận thức của các khách hàng về vấn đề này, VinaPhone đã triển khai nhiều biện pháp như: Triển khai nhiều đợt nhắn tin, cập nhật thông tin lên website khuyến cáo khách hàng thận trọng khi cài đặt các ứng dụng, khi cài đặt cần đọc kỹ các điều khoản, tránh cài đặt những ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc can thiệp quá sâu vào thiết bị.

Theo ông Hợp, trong thời gian tới VinaPhone sẽ hợp tác với 1 số hãng bảo mật nhằm cung cấp các ứng dụng bảo mật dành riêng cho các thuê bao VinaPhone với nhiều ưu đãi nhằm bảo vệ khách hàng khỏi các ứng dụng trên.

Với những lo lắng của thuê bao VinaPhone về tin nhắn lừa đảo, ông Hợp tư vấn: các hình thức lừa đảo hiện này rất đa dạng, tuy nhiên có 1 số hình thức nổi bật như: một số cá nhân/tổ chức nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng giả thông báo khách hàng trúng giải thưởng và đề nghị khách hàng gọi điện/nhắn tin 1 số thuê bao nào đó để xác minh/nhận thưởng; Nhắn tin gọi điện giả mạo thông báo nợ cước và yêu cầu khách hàng thanh toán, cung cấp thông tin để thanh toán cước; Khuyến khích/dụ dỗ khách hàng tải các ứng dụng có chứa mã độc qua đó tiến hành nghe lén, đánh cắp thông tin cá nhân, tự động gửi tin nhắn….

Để khắc phục hiện tượng này, VinaPhone đã cung cấp Hotline 9191 để các khách hàng có thể xác minh các chương trình khuyến mại, các vấn đề liên quan đến việc thu cước khách hàng. Ngoài ra khách hàng cũng có thể liên hệ đến số 0943 2222 880943 2222 88  để xác minh các vấn đề liên quan đến khách hàng trúng thưởng các chương trình khuyến mại dành cho các dịch vụ do VinaPhone tổ chức. Hiện VinaPhone đã triển khai bộ phận test độc lập nhằm phát hiện các hành vi lừa đảo của các cá nhân/tổ chức để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý.
 

Nhằm bảo vệ khách hàng khỏi vấn nạn tin nhắn rác, VinaPhone triển khai nhiều biện pháp theo dõi, kiểm soát như:

- Theo dõi và xử lý qua hệ thống theo dõi kiểm soát tin nhắn rác.
- Theo dõi qua bộ phận test độc lập của VinaPhone
- Thu thập thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng của VinaPhone
- Khi phát hiện các hiện tượng tin nhắn rác VinaPhone sẽ tiến hành xử lý quyết liệt bằng các biện pháp như khóa đầu số, khóa số thuê bao thậm chí cắt hợp đồng với các cá nhân/đối tác vi phạm.

Tính đến tháng 7/2014 VinaPhone đã khóa 371.888 sim gửi tin nhắn rác, khóa 68 cú pháp nhắn tin đến đầu số ngắn , khóa 50 đầu số dạng 1900xxxx và 4 đầu số ngắn 8xxx.

Ngọc Minh