- Liên quan đến vụ phát hiện 24.900 thẻ cào MobiFone làm giả bị công an Quảng Ninh bắt giữ mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã gửi thông cáo tới các báo cho biết nhóm đối tượng nghi can này cũng đang thế chấp 300.000 thẻ cào tại chi nhánh MB Hải Dương để vay vốn kinh doanh.


{keywords}
Cơ quan công an kiểm tra lô thẻ giả được vận chuyển từ Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái vào Việt Nam - Ảnh cơ quan an ninh điều tra cung cấp

Số thẻ MobiFone này bao gồm nhiều mệnh giá khác nhau nghi được làm giả với chủ đích lừa đảo các tổ chức tín dụng. Theo công an Quảng Ninh cho biết, các đối tượng đã dùng 300.000 thẻ cào này để làm tài sản thế chấp trong món vay vốn khoảng 35 tỷ đồng.

Theo thông cáo của MB cho biết, khoản thế chấp để vay vốn kinh doanh của nhóm đối tượng này tại chi nhánh MB Hải Dương, không chỉ gồm thẻ cào mà còn có bất động sản và ô tô. MB đang tiến hành đánh giá làm rõ các giá trị tài sản liên quan tới vụ việc.

MB khẳng định quan điểm luôn tuân thủ quy trình thẩm định ở mức cao nhất và kiên quyết xử lý mọi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật cũng như của Ngân hàng. Tuy nhiên, có một thực tế là với 300.000 thẻ cào giả được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn, chi nhánh MB Hải Dương đã không có biện pháp thẩm định hiệu quả nào để phát hiện được đó là thẻ cào giả.

Kẽ hở trong sử dụng thẻ cào làm tài sản thế chấp

Thông cáo của MB cũng cho biết 300.000 thẻ cào giả này được một đại lý phân phối thẻ cào chính thức của MobiFone dùng làm tài sản thế chấp. Đại lý này đã có giao dịch với MB trong nhiều năm qua và trong khoảng thời gian này, họ luôn thực hiện đúng cam kết, nghĩa vụ với ngân hàng.

Thông tin ban đầu cho thấy các đối tượng làm giả thẻ cào chủ tâm lừa đảo ngân hàng. Nhưng điều đáng nói là việc thẩm định các thẻ cào nạp tiền điện thoại là thật hay giả là việc không hề đơn giản. Kể cả khi lấy ngẫu nhiên một thẻ ra nạp thử thì vẫn thành công vì mã thẻ được nhân bản từ thẻ cào thật.

Từ phía ngân hàng, với số lượng lên tới 300.000 thẻ cào thì quá trình thẩm định chủ yếu dựa trên uy tín và lịch sử giao dịch giữa khách hàng với ngân hàng, còn việc ngồi tra mã seri của từng thẻ cào rồi đối chiếu với dữ liệu của nhà mạng (ở đây là MobiFone) là điều rất khó khả thi.

Đặc thù kinh doanh của các đại lý phân phối thẻ cào điện thoại lớn (cấp tỉnh thành) là phải quay vòng một số vốn rất lớn, lên tới hàng chục tỷ đồng. Các đại lý này sẽ phân phối xuống các đại lý cấp thấp hơn để thu hồi vốn, nhưng phải có một nguồn vốn ban đầu rất lớn cho việc mua thẻ cào số lượng lớn để được hưởng các ưu đãi về giá, chiết khấu… từ nhà mạng.

Nguy hiểm hơn tiền vàng giả

Về mặt giá trị, thẻ cào điện thoại thực tế không khác gì tiền mặt, nhưng lại khó xác minh thật hay giả. Nếu là giấy tờ nhà đất, giấy tờ xe thì việc thẩm định sẽ đơn giản hơn nhiều, nhưng với hàng trăm ngàn thẻ cào, thì bản thân ngân hàng cũng không thể đủ nhân lực cho việc tra cứu, xác minh mã seri thẻ.

Cho dù có một quy trình phối hợp giữa ngân hàng với nhà mạng di động để xác minh mã thẻ cào, thì cũng chỉ có thể căn cứ trên dãy mã seri của bảng in thẻ để khớp các dải mã số đầu và cuối, chứ không thể kiểm tra hết toàn bộ số lượng 300.000 thẻ cào.

Do đó, việc cho phép sử dụng một số lượng lớn thẻ cào làm tài sản thế chấp là quyết định rất mạo hiểm, bởi nếu là tiền giả hay vàng giả thì rất dễ để xác minh, nhưng với thẻ cào thì rất khó, thậm chí là không thể nếu với số lượng lớn. Đây chính là kẽ hở mà kẻ lừa đảo dùng để qua mặt quy trình thẩm định của ngân hàng. Vụ việc cũng là một bài học kinh nghiệm đắt giá để các ngân hàng rà soát lại các quy trình thẩm định và các nhóm tài sản được sử dụng để thế chấp vay vốn của mình.

  • H.P.