Hơn 100 đại biểu với trên 30 đại biểu quốc tế đến từ các nước trong khu vực châu Á và các tổ chức, công ty vệ tinh hàng đầu thế giới sẽ tham dự Hội thảo thông tin vô tuyến khu vực châu Á diễn ra tại Hà Nội.

Hội thảo do Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tổ chức từ 26-30/5.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng.

ITU thường xuyên tổ chức các hội thảo thông tin vô tuyến tại các khu vực khác nhau trên thế giới nhằm hỗ trợ các nước nhìn nhận và giải quyết các thách thức liên quan tới vấn đề phổ tần vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, đặc biệt là áp dụng hiệu quả các quy định của Thể lệ vô tuyến điện quốc tế trong công tác quản lý tần số vô tuyến điện. Năm nay, Hội thảo Thông tin vô tuyến điện khu vực châu Á được lựa chọn tổ chức tại Việt Nam.

Hội thảo năm nay được chia làm 2 phần: Ngày 26/5 là diễn đàn về quản lý tần số với chủ đề “Xu hướng mới về quản lý tần số: Cơ hội và thách thức” sẽ trao đổi và thảo luận về các vấn đề như đấu giá phổ tần, truy nhập phổ tần động (Dynamic Spectrum Access), thương mại phổ tần (Spectrum Trading) và khoảng trống phổ tần (White Space) với các bài trình bầy của các chuyên gia của ITU, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc và SES.

Từ ngày 27 - 30/5 là hội thảo về công tác đăng ký tần số quốc tế. Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về việc sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ở cấp độ khu vực và thế giới, trao đổi các kinh nghiệm của các nước đối với vấn đề này. Đặc biệt tập trung vào việc hướng dẫn đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh, đăng ký các đài thông tin vô tuyến thuộc nghiệp vụ mặt đất qua việc khai thác các công cụ công nghệ thông tin được ITU phát triển.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng  khẳng định khu vực châu Á là một trong những khu vực tăng trưởng năng động và phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế và CNTT toàn cầu. Nhu cầu phổ tần cho hầu hết các dịch vụ thông tin vô tuyến đặc biệt là về thông tin di động đang tăng lên nhanh chóng để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế và công nghệ. Với một nguồn lực tần số giới hạn, những xu hướng này có thể là thách thức đáng kể cho các cơ quan nhà nước để thúc đẩy sử dụng phổ tần hiệu quả và tối đa hóa lợi ích mạng xã hội.

“Hội nghị này sẽ tạo cơ hội cho các nước khu vực Châu Á thảo luận và trao đổi quan điểm và kinh nghiệm về các xu hướng quản lý phổ tần. Với chương trình phong phú, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hội thảo này sẽ cung cấp cho chúng tôi cơ hội để có cái nhìn toàn diện về xu hướng quản lý tần số”, Thứ trưởng Thắng khẳng định.

P.V