- Sự dịch chuyển từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các “nhà đài” Việt Nam trong việc tìm các giải pháp lưu trữ một khối lượng dữ liệu khổng lồ.

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trong những năm qua, sự chuyển đổi sang công nghệ số đang trở thành một xu hướng tất yếu của các đài phát thanh truyền hình, các đơn vị truyền thông đa phương tiện.

{keywords}
Lưu trữ và xử lý dữ liệu đang trở thành một vấn đề lớn với các nhà đài trong thời đại bùng nổ dữ liệu như hiện nay.

Thay vì các cuộn băng từ truyền thống, các đài phát thanh truyền hình đang phải làm quen với việc lưu trữ và xử lý dữ liệu chương trình theo công nghệ số. Trong khi đó, người dùng bắt đầu có những yêu cầu cao hơn về chất lượng chương trình. Tại Việt Nam, các kênh truyền hình HD chất lượng cao ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Bên cạnh đó, nhu cầu video trực tuyến theo yêu cầu, dịch vụ nội dung số đang bước vào thời kỳ bùng nổ khi các thiết bị cầm tay hiện đại như smartphone, tablet ngày càng trở nên phổ biến hơn. Giờ đây, người dùng có thể xem video chất lượng cao ở bất cứ đâu chỉ với một chiếc smartphone hay tablet trong tay.

Theo thống kê của hãng Ooyala, lượng người xem video trên các thiết bị điện thoại và tablet hàng năm tăng gấp đôi. Còn theo Cisco, vào năm 2018 lượng người xem các chương trình video trên Internet sẽ tăng gấp 8 lần so với hiện tại.

Ngoài ra, theo Đề án số hóa truyền hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015, sẽ thực hiện tắt toàn bộ sóng analog tại 5 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và tiến tới chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất vào năm 2020.

Tất cả những bước phát triển nói trên khiến việc tìm kiếm các giải pháp lưu trữ và xử lý một khối lượng dữ liệu đa phương tiện khổng lồ đến từ nhiều nguồn khác nhau trở thành nhu cầu bức thiết của các nhà khai thác dịch vụ phát thanh, truyền hình và truyền thông đa phương tiện.

Nhiều lựa chọn

Nhận thấy tiềm năng trong việc cung cấp các giải pháp lưu trữ dữ liệu lớn cho ngành truyền hình Việt Nam, một quốc gia có số lượng kênh truyền hình quảng bá lớn nhất thế giới, nhiều hãng công nghệ đã bắt đầu đưa vào Việt Nam các giải pháp lưu trữ dữ liệu lớn để chào hàng.

Vào giữa năm ngoái, Công ty SC và HP Việt Nam đã giới thiệu giải pháp Lưu trữ StorNext của Quantum trên cơ sở hạ tầng HP cho ngành phát thanh, truyền hình tại Việt Nam. StorNext được giới thiệu là có tốc độ truy cập dữ liệu cao và được thiết kế với tính sẵn sàng cao. Đây cũng là bước tiếp cận đầu tiên với thị trường Việt Nam nhằm giới thiệu giải pháp HP Media Storage của HP.

Cũng từ năm ngoái, EMC Việt Nam đã giới thiệu giải pháp lưu trữ Isilon nhằm giải quyết những thách thức mà các nhà đài đang gặp phải. Theo Charles Sevior, Giám đốc công nghệ Bộ phận Lưu trữ Dữ liệu Isilon thuộc EMC, khác với giải pháp mạng lưu trữ (Storage Area Network hay SAN), Isilon là một giải pháp NAS (Network Attached Storage) có khả năng mở rộng mạnh mẽ nhưng lại rất đơn giản cho các “nhà đài”.

Trong khi đó, mặc dù không đưa ra các giải pháp lưu trữ chuyên dụng để tiếp cận thị trường đang có nhu cầu lớn tại Việt Nam song đại diện IBM Việt Nam cũng từng khẳng định đầy tự tin rằng, IBM hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp hầu hết các giải pháp lưu trữ dữ liệu lớn cho các ngành, trong đó có truyền hình.

Trên thực tế, mỗi nhà cung cấp giải pháp dữ liệu lớn cho ngành truyền hình đều đưa ra những lợi thế, ưu điểm trong giải pháp của mình để thu hút khách hàng. Sự cạnh tranh này là có lợi cho người dùng mà cụ thể ở đây là các “nhà đài”.  Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, để có thể đưa ra lựa chọn chính xác nhất, các “nhà đài” nên để các nhà cung cấp giải pháp trình diễn công nghệ theo những yêu cầu cụ thể của mình rồi mới lựa chọn.

Để các nhà đài có cơ hội trao đổi, chia sẻ những khó khăn cũng như những khúc mắc khi thực hiện quá trình chuyển đổi từ truyền hình truyền thống sang truyền hình kỹ thuật số hiện đại, ngày hôm qua, 12/3, EMC đã tổ chức một cuộc hội thảo “Giải pháp lưu trữ dữ liệu chuyên dụng cho ngành phát thanh truyền hình và truyền thông” tại Hà Nội. Tham dự hội thảo là đại diện đến từ các đài truyền hình VTV, ANTV, VOV,… và các công ty công nghệ lớn như: FPT, VASC, NT&T, ITC,…

Lê Văn