Pin bị chai là “bệnh” của những viên pin dùng đã lâu ngày, nhưng lí do chủ yếu là do cách sạc pin không đúng và cả do những thiết bị sạc trôi nổi.

Nguyên nhân pin nhanh hết và dễ bị“chai”?

Thứ nhất, đó là do chiếc “dế” của bạn đang có nhiều ứng dụng chạy cùng lúc mà bạn không hay biết. Đặc biệt với những dế có kết nối Internet như Wifi, 3G, nếu sau khi vào net xong mà không thoát ra, đây là lý do khiến pin điện thoại bị tiêu hao đáng kể.

Với những dế có nhiều tính năng, ứng dụng như iPhone cũng khiến nguồn pin thường hết khá nhanh. Đặc biệt khi bạn lại thường xuyên “giết thời gian” với bằng game, nghe nhạc, xem video… thì chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ, dù pin trước đó có được sạc đầy thì cũng nhanh chóng ở tình trạng cạn kiệt.

Thật khó khi với chiếc smartphone đa tính năng này mà bạn lại không chơi game, nghe nhạc, xem video. Nhưng nó chính là nguyên nhân khiến dế có nhiều tính năng, ứng dụng như iPhone thường hết pin khá nhanh, chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ, dù pin trước đó có được sạc đầy thì cũng nhanh chóng ở tình trạng cạn kiệt.

Khi chơi, hay giải trí, hãy nên biết tiết chế nhu cầu để tiết kiệm pin cho thiết bị bằng cách tránh lạm dụng các ứng dụng trên. Với kết nối 3G, chỉ khi nào sử dụng dịch vụ kết nối dữ liệu, bạn mới nên kích hoạt chế độ kết nối này. Bởi lẽ, khi thường xuyên chọn kết nối 3G, thiết bị của bạn sẽ tiêu tốn năng lượng rất nhanh. Khi không có nhu cầu kết nối, hãy vào Setting > General > Network và chọn Enable 3G to Off để thoát.

Một lý do khác khiến dế của bạn nhanh ngốn pin đó là khi sóng mạng yếu, sóng phải roaming với mạng khác. Hễ cứ vào vùng sóng yếu, chập chờn cũng khiến chiếc điện thoại bị ngốn năng lượng rất nhiều do phải duy trì sóng hoặc tìm kiếm các mạng khác để roaming. Với trường hợp này, nếu không cần thiết phải giữ liên lạc thường xuyên, tốt nhất bạn hãy tắt máy, đợi đến nơi sóng khỏe hãy tiếp tục sử dụng để pin không bị tiêu phí.

Những lý do này ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và độ bền của pin điện thoại. Nếu không khắc phục những nhược điểm này sớm, thì theo thời gian pin của smartphone sẽ dần dần bị “chai”.

Làm gì để pin luôn tốt, bền?

Với một chiếc máy mới mua về, chính xác là khi mua một viên pin mới, nhà sản xuất thường khuyên nên tuân thủ đủ 3 bước nạp và xả pin như sau: lần thứ nhất cắm sạc khoảng 8 đến 10 tiếng đồng hồ (riêng với pin Li-Ion thì chỉ khoảng 5 tiếng, cần chú ý đừng để pin quá nóng), sau đó dùng đến khi cạn pin (máy không hoạt động được nữa), lần thứ 2 và thứ 3 cũng như thế và đến lần thứ 4 trở đi thì dùng bình thường, nghĩa là khi máy báo pin chỉ còn một nấc là lúc cần sạc tiếp. Tránh để tình trạng pin hoàn toàn cạn kiệt rồi mới sạc. Tuy nhiên, cứ mỗi 20 ngày đến một tháng thì nên để pin cạn hoàn toàn một lần rồi mới sạc tiếp.

Theo nguyên tắc, đa số những chiếc điện thoại đều có những mạch điện giúp máy tự ngắt điện vào pin khi pin đầy, nhưng dòng điện này là rất nhỏ nên mạch hoạt động đôi khi không hiệu quả. Chính vì thế nên khi cắm sạc lâu hơn mức cần thiết, đặc biệt là qua đêm, thì pin sẽ nóng lên và rất dễ bị hư hại.

 Sạc pin đúng cách và bộ sạc tốt giúp pin lâu pị chai.

Cùng với việc sạc pin cho đúng cách là việc phải sở hữu những viên pin cùng bộ sạc tốt và đồng bộ. Những thiết bị tiếp điện cho pin này hoạt động rất kém hiệu quả, rất lâu đầy pin và thường hay tự nóng lên. Vì sạc có chức năng biến đổi dòng điện xoay chiều thành một chiều rồi tích điện vào pin nên mạch chuyển đổi bên trong và dòng điện phát ra rất quan trọng. Những thiết bị với linh kiện rẻ tiền khó có thể cho ra những thông số phù hợp và chuẩn xác theo thông số pin, đôi khi còn hại cả máy.

Và quả thật, không thể đòi hỏi một thiết bị có giá 15 ngàn đồng hoạt động thật tốt chức năng sạc của mình. Bởi thế, bạn tuyệt đối tránh mua những cục sạc mới tinh, trôi nổi ngoài thị trường với giá dưới 30 ngàn. “Tiền nào của đó”, hoàn toàn không có một thiết bị sạc tiêu chuẩn nào lại có mức giá rẻ như thế.

Khi mua sạc, cần đến các showroom chính hãng hoặc những siêu thị điện thoại lớn để có được những lựa chọn tốt nhất, hoặc cũng có thể tìm những cục sạc cũ có dán tem của các nhà phân phối như FPT, B.S, ABTel,…hay tìm mua những thiết bị sạc có dán tem của nhà sản xuất (phổ biến là Koracell, giá từ 70 đến 100 ngàn đồng).

Việc những cục sạc chính hãng có giá khá cao thường làm người dùng phân vân, nhưng thử hỏi, để đảm bảo an toàn cho chiếc điện thoại giá trị bạc triệu thì một vài trăm ngàn bỏ ra cho một thiết bị sạc tốt có đáng là bao? Tuy đa số các thiết bị sạc đều có thể dùng chung cho các model trong cùng một hãng sản xuất, nhưng nhà sản xuất bao giờ cũng khuyến cáo nên dùng những cục sạc kèm theo máy và phù hợp với model đang sử dụng, bởi thiết bị này có sự khác biệt nhỏ ở mỗi dòng máy riêng.

Tóm lại, việc may mắn sở hữu những thiết bị đồng bộ là chưa đủ để kéo dài tuổi thọ cho pin nói riêng và cho điện thoại nói chung, người dùng cần áp dụng những qui tắc nhỏ để tự mình khắc phục những “bệnh” lặt vặt của máy, trong đó “chai” pin là một ví dụ.

Theo VnMedia