Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở khu vực Bắc Á gia tăng vì chương trình tên lửa của Triều Tiên, Trung Quốc đã siết gọng kìm kinh tế hơn nữa đối với Hàn Quốc, và một trong những đối tượng gánh hậu quả là các hãng ô tô của "xứ sở kim chi".

Các công ty của Hàn Quốc đang phải đối mặt với những áp lực ngày càng gay gắt hơn tại Trung Quốc, từ những khó khăn đối với các công ty liên doanh địa phương tới việc chính phủ Trung Quốc yêu cầu sản xuất tại các nhà máy.

Bắc Kinh phản đối Seoul hỗ trợ Washington triển khai thêm 4 bệ phóng của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, bên cạnh 2 bệ phóng của THAAD đang được vận hành tại thị trấn Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 300 km về phía Nam. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump hôm 4/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh rằng nước này sẽ hoàn thành việc triển khai hệ thống THAAD càng sớm càng tốt.

Gián đoạn sản xuất

Một loạt các công ty Hàn Quốc, từ Hyundai Motor, Kia Motors đến Lotte Shopping, AmorePacific Group đã chứng kiến mức doanh thu sụt giảm mạnh từ đầu năm đến nay tại Trung Quốc, một trong những thị trường quan trọng nhất của các công ty này, do bị nhà chức trách Trung Quốc “trả đũa” trực tiếp hoặc gián tiếp.

{keywords}

Ngày 5/9, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Hàn Quốc - Hyundai cho biết, nhà máy thứ 4 của hãng tại thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô miền Đông Trung Quốc đã phải tạm ngừng sản xuất, bởi một nhà thầu Đức từ chối cung cấp hệ thống lọc gió cho nhà máy, do các khoản tiền chưa được thanh toán. Hyundai nhấn mạnh rằng vấn đề này là do đối tác liên doanh Trung Quốc của hãng là BAIC Motor đã không chi trả cho các nhà cung cấp.

Trước đó, Hyundai đã phải ngừng sản xuất tại 4 nhà máy của hãng ở Trung Quốc do một nhà thầu Pháp từ chối cung cấp các thùng nhiên liệu với lý do tương tự. Hãng đã nối lại sản xuất tại các nhà máy hồi tuần trước, sau khi thuyết phục các đối tác tiếp tục hợp tác. Tuy nhiên, không rõ liệu Hyundai có thể thuyết phục được đối tác Đức với nhà máy tại Thường Châu hay không.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành Hyundai Chung Jin-haeng cho biết: “Cơ cấu sở hữu của liên doanh là 50:50, vì vậy không nên có những quyết định từ một phía. Chúng ta nên tìm tiếng nói chung.”

Tập đoàn Hyundai ngày 4/9 thông báo sẽ thanh toán cho các nhà thầu Hàn Quốc khoản tiền 250 tỷ won (221 triệu USD) cho các khoản đầu tư cơ sở của họ. Đây là một phần trong chiến lược nhằm giúp các nhà thầu giải quyết các vấn đề thanh khoản. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc do nhà nước quản lý cũng dành 550 tỷ won cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc.

Rủi ro chính trị

Các nhà phân tích cho rằng những rủi ro từ căng thẳng chính trị đang làm ảnh hưởng đến năng suất của Hyundai, dẫn đến nhiều tổn thất. Ông, Chang Moon-su, nhà phân tích của Kiwoom Securities đánh giá: “Tình hình kinh doanh của Huyndai hiện ở mức độ tiêu cực do ảnh hưởng từ các vấn đề chính trị. Tỷ suất hoạt động của công ty không vượt qua cả điểm hòa vốn, kéo dài tình trạng thua lỗ.”

Hồi tuần trước, Lotte Shopping cũng cho biết đã quyết định bơm 300 triệu USD vào chuỗi siêu thị Lotte Mart tại Trung Quốc. Trong số 112 cửa hàng của tập đoàn tại Trung Quốc, 87 cửa hàng đã bị các nhà chức trách nước này đình chỉ hoạt động nhằm trả đũa kinh tế đối với các sản phẩm của Hàn Quốc.

(Theo Nikkei/ Dân trí)