Việc thông qua Công ước LHQ về Luật Biển, theo đó thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc, là một bước tiến lớn trong quá trình phát triển hệ thống tư pháp quốc tế.

Nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn chia sẻ những quan điểm về Tòa án và trọng tài trong các tranh chấp biển, các đóng góp của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) trong việc giải quyết tranh chấp biển.

{keywords}
Nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn

Ông dẫn dắt điều 287 của Công ước, các quốc gia thành viên sẽ được chọn thủ tục giải quyết tranh chấp nảy sinh theo Công ước. Họ có nghĩa vụ đệ trình tranh chấp của mình ra một trong các thủ tục được quy định theo Công ước, với một số ngoại lệ cụ thể.

Việc các quốc gia buộc phải đưa tranh chấp ra một trong các cơ chế quy định tại điều 287 của Công ước nghĩa là những thủ tục này, đặc biệt là Tòa ITLOS như một cơ quan thường trực được hình thành theo Công ước chuyên để giải quyết các tranh chấp biển, sẽ có khả năng lớn hơn trong việc đóng góp vào hòa bình giải quyết tranh chấp so với các cơ quan tài phán quốc tế trước đó.

Các vụ kiện nộp ra Tòa đã ngày càng đa dạng và Tòa đã giải quyết rất nhiều loại tranh chấp biển, bao gồm các tranh chấp liên quan đến biên giới biển, bắt giữ tàu, đánh bắt cá và lưu kho. Thông qua các phán quyết của mình, Tòa đã đóng góp vào tiến trình phát triển luật pháp quốc tế và đã củng cố được vị trí của mình như một diễn đàn chuyên trách về giải quyết hòa bình tranh chấp nảy sinh theo Công ước.

Năm 2012, Tòa đã đưa ra một phán quyết đột phá trong tranh chấp liên quan đến phân định biên giới biển giữa Bangladesh và Myanmar tại Vịnh Bengal. Tòa là cơ quan tài phán quốc tế đầu tiên phân định được biên giới giữa thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý của các bên. Gần đây hơn, Viện Giải quyết Tranh chấp Đặc biệt của tòa ITLOS đã đưa ra phán quyết trong vụ Ghana/Bờ biển Ngà, một phán quyết có khả năng sẽ có tác động quan trọng tới các tranh chấp về biên giới biển trên thế giới.

Thách thức với cơ quan tài phán quốc tế

Theo Thẩm phán Vladimir Vladimirovich Golitsyn, những thách thức với các cơ quan tài phán quốc tế bao gồm cả ITLOS nảy sinh cả từ các hành vi của quốc gia và từ trong bản thân những cơ quan tài phán này.

Trước hết là vấn đề các quốc gia sử dụng các thủ tục tư pháp quốc tế cho mục đích chính trị. Trong trường hợp này, phán quyết cuối cùng của cơ quan tài phán chỉ được coi là một trong những công cụ nhằmđạt được một kết quả thuận lợi cuối cùng bằng các biện pháp khác.

{keywords}
 

Như vậy, các tòa án và tòa trọng tài quốc tế sẽ ở trong thế khó. Chức năng của những cơ quan này là hỗ trợ các bên trong quá trình hòa bình giải quyết tranh chấp, chứ không phải là làm cho tranh chấp trở nên trầm trọng hơn. 

Thứ hai là từ quan điểm của chính những cơ quan tài phán. Nguyên Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển cho rằng tồn tại nguy cơ các cơ quan tài phán quốc tế đôi khi không nhớ rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp.

Các cơ quan tài phán cần luôn nhớ tới vai trò của họ là các cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc diễn giải luật pháp theo một hướng nhất định sẽ không có giá trị gì với các bên nếu như việc diễn giải đó không giúp các bên giải quyết được tranh chấp. Tòa án và các tòa trọng tài cần phải tiếp tục thực hiện chức năng giải quyết tranh chấp của mình và đưa ra các giải pháp hoàn chỉnh đối với các vấn đề mà các bên trong tranh chấp phải đối mặt.

Cơ quan tài phán quốc tế trong vấn đề Biển Đông

Ông Golitsyn khẳng định, khi đề cập về các biện pháp duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, thì vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế không nên bị đánh giá thấp.

Tuy nhiên, việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết các tranh chấp biển có thể đang đối mặt với một vài thách thức nhất định, nảy sinh cả từ các quốc gia và từ trong chính các cơ quan tài phán.

Khả năng đóng góp của các cơ quan tài phán vào hòa bình và ổn định sẽ phụ thuộc vào lập trường của nhiều bên trong hệ thống giải quyết tranh chấp này.

Nguyên Chánh án ITLOS khuyến cáo, khi giải quyết tranh chấp biển theo tòa án và tòa trọng tài quốc tế, cần lưu ý đến sự ảnh hưởng của các xu hướng đang nảy sinh trong quan hệ quốc tế tới khả năng của các tòa án và tòa trọng tài trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Minh Tâm - Diệu Thúy