- Chuyến thăm chính thức LB Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (12-15/5) tiếp tục nhấn mạnh cơ chế trao đổi cấp cao giữa hai nước được triển khai không ngừng - một trong những chỉ số xác tín cho mối quan hệ song phương phát triển ổn định.

Đây là lần thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm LB Nga (trước đó vào 2007 và 2009). Trong khi đó, người đồng cấp của ông, Thủ tướng Medvedev cuối năm ngoái cũng vừa thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thăm chính thức LB Nga, đặt mốc xác lập khuôn khổ hợp tác mới giữa hai nước là đối tác chiến lược toàn diện.

Mức độ dày đặc của chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong những năm trở lại đây không chỉ cho thấy chính sách hướng Đông mạnh mẽ của Moscow mà cả sự chủ động của Hà Nội.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, chuyến thăm của Thủ tướng nhằm khẳng định coi trọng và mong muốn của Việt Nam không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga, tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước, thông báo cho nhau về tình hình chính trị - kinh tế, chính sách đối ngoại mỗi nước, trao đổi ý kiến về các vấn đề thời sự quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Medvedev tại Hà Nội tháng 11/2012. Ảnh: Reuters

Tái ngộ Thủ tướng Medvedev tại Moscow, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều việc trao đổi với người đồng cấp. Chỉ cách đây 5 tháng, khi gặp nhau ở Hà Nội, ông và Thủ tướng Nga đã đặt ra hàng loạt những mục tiêu, kế hoạch triển khai nhằm hiện thực hóa đa dạng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đó là cam kết thúc đẩy lĩnh vực này phát triển mạnh hơn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư và phát triển, đồng thời sớm khởi động đàm phán và ký kết FTA giữa Việt Nam và liên minh thuế quan (gồm LB Nga, Kazakhstan và Belarus). Hai bên cũng đặt mục tiêu 7 tỷ USD kim ngạch vào năm 2015.

Hai bên cũng đề cập đến dự án hợp tác trọng điểm là xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo tinh thần “an toàn, hiệu quả và chất lượng”, qua đó đưa hợp tác kỹ thuật lên tầm cao mới về chất, mở rộng hoạt động trong thăm dò và khai thác dầu khí trên lãnh thổ của nhau.

Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu: “Tôi tin tưởng rằng với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới được xác lập, với ý chí của lãnh đạo hai nước, cùng nỗ lực và sự triển khai đồng bộ của các bộ ngành địa phương và doanh nghiệp, quan hệ Việt Nam - LB Nga sẽ ngày càng được tăng cường và củng cố, đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước, góp phần tích cực vào hòa bình ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.

Sớm tái ngộ trong thời gian ngắn, hai nhà lãnh đạo cho thấy quyết tâm triển khai những mục tiêu chung.

Khuôn khổ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện đang đem đến một luồng sinh khí mới, đặt quan hệ song phương Việt Nam - LB Nga trên đường ray mới. Đặc biệt trong bối cảnh, LB Nga đặt Việt Nam trong nhóm 3 nước đối tác chiến lược quan trọng nhất ở châu Á - Thái Bình Dương.

Một trong những điểm nhấn mới nhất trong hàng loạt những dự án trao đổi hợp tác, đó là khai thác khu mỏ Yamal-Nenets của LB Nga ở vùng Siberia. Năm ngoái, lần đầu tiên LB Nga đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm khu tự trị Nenets và dự lễ đón dòng dầu đầu tiên tại khu mỏ Tây Khosedayuskove của liên doanh dầu khí Rusvietpetro.  

Thủ tướng Medvedev từng khẳng định Việt Nam là đối tác chiến lược có tư cách đặc biệt khi tham gia cùng khai thác khu mỏ này ở vùng Siberia của Nga. Ông từng phát biểu: "Chúng tôi hầu như không cho đối tác nước ngoài nào làm việc chung trong lĩnh vực này. Nhưng Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, vì tính chất đặc biệt trong mối quan hệ của chúng ta và vì những triển vọng mà chúng tôi nhìn thấy khi phát triển sự hợp tác thân thiện với Việt Nam".

Đến nay, quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước phát triển năng động với kim ngạch hai chiều năm 2012 đạt gần 2,45 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2011. Nga hiện đứng thứ 18/101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 93 dự án và tổng số vốn đăng ký 2,07 tỷ USD.

Hiện Việt Nam có 16 dự án đầu tư sang Nga với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại...

Dư địa hợp tác giữa hai bên không chỉ phát triển theo chiều rộng mà cả chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Linh Thư