- Không nên đổ lỗi cho tâm lý người dân muốn "bôi trơn" mà phải làm cho bộ máy công quyền không còn “khô dầu”. Trong vấn đề này, người dân bị đặt vào tình thế phải thích nghi.

{keywords}
Ông Đặng Ngọc Dinh. Ảnh: Tá Lâm

Sáng 1/7, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ QH) phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tổ chức hội thảo giới thiệu báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012. Gần 14.000 người ở 63 tỉnh thành đã được phỏng vấn trong khảo sát của PAPI năm 2012.

“Lót tay” phổ biến

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là một trong 6 chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Phát hiện của PAPI cho thấy, hiện tượng phải đưa tiền “lót tay” để xin việc làm trong cơ quan nhà nước rất phổ biến. Có đến hơn 39% người được hỏi cho biết phải thực hiện việc này mới có việc làm trong cơ quan nhà nước.

Ngoài tình trạng “lót tay”, kết quả khảo sát PAPI cũng cho thấy, đa số người dân cho rằng, quan hệ thân quen với người có chức quyền là yếu tố quan trọng khi đi xin việc vào khu vực nhà nước.

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, TS Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) nêu: Không nên đổ lỗi cho tâm lý người dân muốn "bôi trơn" mà phải làm cho bộ máy công quyền không còn “khô dầu”. Trong vấn đề này, người dân bị đặt vào tình thế phải thích nghi với thực trạng hiện nay.

Ông lấy dẫn chứng từ việc người dân khi ra nước ngoài chữa bệnh không có tâm lý phải mang theo phong bì như khi đến bệnh viện ở ta.

“Thích nghi cũng là người dân thông minh. Họ bôi trơn, tức là họ quan niệm cái máy này trục trặc, khô dầu. Vậy cái máy khô dầu là tại ai? Tại người thiết kế máy, tại người vận hành hay tại người tu sửa không làm cho nó trơn?”. Theo ông Dinh, để chống tham nhũng cần phải tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược, đặc biệt là công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền với nhân dân.

“Công tác chống tham nhũng rất khó khăn, phải có sự quyết tâm và lâu dài. Lâu dài ở đây không phải là đi chụp ảnh người lót tay, làm như thế không ăn thua mà phải làm đồng bộ, tổng thể”, ông Dinh nói.

Tham khảo PAPI trước khi lấy phiếu tín nhiệm

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết, tới đây HĐND các tỉnh thành sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Tuy nhiên, theo ông Thảo, để cuộc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan, công tâm và trách nhiệm, các đại biểu HĐND phải tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau nhưng vẫn thiếu một tài liệu quan trọng, đó là PAPI. “Hay nói chính xác hơn là một hệ quy chiếu chuẩn để chấm điểm một cách công bằng đối với tất cả các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm”, ông Thảo nói.

Theo ông, PAPI sẽ giúp các đại biểu HĐND ở các tỉnh thành trong cả nước có cách nhìn toàn diện, khách quan về việc hoạch định chính sách pháp luật, việc pháp luật được thực thi ở các địa phương như thế nào, cũng như cách nhìn của người dân về hệ thống các cơ quan công quyền ở địa phương.

Tá Lâm