Đại tá Hồ Hà, nguyên vệ sĩ tiếp cận bảo vệ Thủ tướng Võ Văn Kiệt khoảng 20 năm trước, đã kể lại cho tôi nghe câu chuyện thú vị về lần vi hành của cố Thủ tướng.

Từ thuở xa xưa, các bậc vua chúa thường "vi hành" xuống địa phương để có dịp hiểu rõ dân tình ra sao, sau rồi về triều đình ban hành chính sách cho phù hợp.

Những cảnh ngang trái, rồi chuyện đám quan nha bên dưới sách nhiễu dân đen, nếu nhà vua tận mắt chứng kiến sẽ bị nghiêm trị thẳng tay. Đó là một cách làm hay. Song hồi ấy, mấy ai biết mặt vua nên mới có thể làm như vậy. Nay thì đã quá khác, công nghệ truyền thông hiện đại ghê gớm nên khó có thể “vi hành” bí mật được như thế. Song, nếu như muốn, tôi nghĩ cũng không phải chuyện quá khó. Thực tế là từ 20 năm trước, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã “vi hành” như thế.

{keywords}

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Ngọc Thắng/Thanh Niên

Đại tá Hồ Hà, nguyên là vệ sĩ tiếp cận bảo vệ Thủ tướng Võ Văn Kiệt khoảng 20 năm trước, đã kể lại cho tôi nghe vào ngày ông Công ông Táo vừa qua câu chuyện thú vị về lần vi hành của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Năm 1994 - 1995 xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm chân đê Yên Phụ (Q.Ba Đình) và Nghi Tàm (H.Từ Liêm), Hà Nội để xây nhà trái phép, vi phạm hành lang đê điều nghiêm trọng, đòi hỏi phải chấn chỉnh kiên quyết, không sẽ rất nguy hiểm nếu chân đê "có chuyện", vì thời điểm đó, người ta phát hiện có những vết nứt ở thân đê cũng như những ổ mối ở chân đê mà nguyên nhân là do người dân tùy tiện đổ phế thải xây dựng hòng lấn chiếm, mở rộng mặt bằng, sau đó xây nhà sát và ngang mặt đê. Tình trạng "phạt cho tồn tại" ngày đó khiến người dân xem thường luật pháp rồi càng "làm tới" để hưởng lợi.

Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, trật tự xây dựng ở đường đê Yên Phụ - Nghi Tàm - Tứ Liên đã được vãn hồi, sau khi phá dỡ hơn 200 ngôi nhà. Hai bên chân đê được chính quyền Hà Nội cho mở đường nhỏ có bề rộng 5m, xem như vệt ngăn cách giữa nhà dân với đê. Người dân Hà Nội nhìn chung rất đồng tình, thậm chí người nào sống gần đó cũng đều được hưởng lợi. Có lẽ chỉ trừ người có nhà ngay chân đê, bị cưỡng chế phá dỡ phần xây dựng vi phạm.

Theo chủ trương ban đầu, sau khi "chặt" bớt nhà chạm vào chân đê, bước tiếp theo sẽ tiếp tục chặt "ngọn" nhà cao tầng để tránh lún đê. Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó rất quan tâm và trăn trở chuyện này. Việc phá dỡ phần nhà xây sát chân đê là việc rất cần thiết vì nhiều khi chính những ngôi nhà kia tiềm ẩn ổ mối và gây lún, nứt đê. Song, việc chặt ngọn như dự kiến liệu còn cần làm tiếp không, nếu như độ cao của những ngôi nhà đó cũng chỉ mức độ? Để chuẩn bị cho bước ra quyết định trong xử lý nhà cao tầng cạnh đê nói trên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho gọi Bộ Công an, đề nghị cử nhân viên nghiệp vụ sang nhà công vụ ông đang ở tại phố Phan Đình Phùng hoá trang giúp ông để "vi hành" thực địa.

Đại tá Hồ Hà nói, nhìn Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi đã được hoá trang rất khéo léo, quả là rất khó có thể nhận ra ông, trừ giọng nói Nam bộ mà nếu gặp người quen có thể bị phát hiện. Sau khi hoá trang, mấy thầy trò ông Kiệt đã âm thầm đến khu dân cư cạnh con đê để nghe ngóng xem dân nói gì và tâm tư của họ ra sao sau khi chính quyền cưỡng chế phá dỡ (tất nhiên 200 ngôi nhà bị phá dỡ đã được Nhà nước hỗ trợ hàng chục tỉ đồng).

Người dân nơi đây cũng đã nghe phong thanh chính quyền sẽ còn mạnh tay làm tiếp bước 2 (cắt ngọn chiều cao của nhà). Họ nói với ông Kiệt trong một tâm trạng bất mãn kèm cả lo lắng, buồn bã ghê gớm.

Bất chợt, có một người đứng cùng đó nhận ra người đàn ông (bảo vệ) đứng cạnh ông Kiệt (sau này, ông Hồ Hà mới vỡ lẽ ra, anh ta cũng là cán bộ ở Q.Ba Đình nên đã từng gặp ông ở đâu đó cùng Thủ tướng nên sinh nghi ông Hà xuống đây thì người nói giọng Nam bộ kia ắt là ông Kiệt), thế là anh ta thì thầm với những người đang ca thán chuyện nhà cửa của họ bị phá cũng như sẽ làm tiếp ra sao. Người nọ thì thầm với người kia, cho đến lúc có người òa lên kinh ngạc khi biết người đang nghe họ kêu ca chính là Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Vậy là việc đóng giả dân thường của Thủ tướng vào năm 1996 bị bại lộ. Bại lộ không phải do hoá trang kém cho ông Kiệt, mà do chủ quan, không lường trước chuyện tưởng như chẳng ăn nhập gì ấy lại xuất phát từ người vệ sĩ đi theo ông không được hoá trang. Câu chuyện sau đó trở nên cởi mở hơn dù người dân đã biết mình đang có vinh hạnh nói chuyện với ai. Họ vui vì được nói chuyện với Thủ tướng trong hoàn cảnh quá bất ngờ. Họ mếu máo trong nước mắt khi bày tỏ lỗi lầm trong chuyện này nhưng có ý nói rằng lỗi này cũng là do chính quyền đã "phạt cho tồn tại", khiến ai cũng “thích” được phạt.

Từ thực tiễn mắt thấy tai nghe, ông Võ Văn Kiệt đã suy nghĩ rất nhiều, để sau đó chỉ đạo tiếp, trong đó có cả chuyện cho dừng không dỡ nóc những ngôi nhà cao tầng như dự tính. Ông đã nghe và hiểu nỗi đau của người dân, cộng với sự tư vấn của các chuyên gia có chuyên môn, kỹ thuật về xây dựng, thủy lợi, nên sau đó đã không ban hành quyết định cắt ngọn chiều cao của các ngôi nhà cạnh đê.

Thực ra, vào thời điểm trước đó, Phó thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã trực tiếp xuống hiện trường phá dỡ để nghe dân trình bày, phản ứng. Nghĩa là thông tin cũng đủ cả. Song, ông Kiệt vẫn muốn được nghe thêm cũng như có dịp được nghe người dân trải lòng với người họ không biết là Thủ tướng.

Là nhà lãnh đạo luôn muốn lắng nghe dân và rất cầu thị, ông Võ Văn Kiệt hiểu ra một điều: Chính từ việc hữu khuynh và thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở nên đã buông lỏng kỷ cương phép nước. Chuyện "phạt cho tồn tại" (thậm chí có cả tiêu cực trong cách phạt) đã khiến dân coi thường bộ máy công quyền.

Từ sự việc này, ông đã quyết định "gia cố” kỷ cương phép nước. Một Thứ trưởng Bộ Thủy lợi và nhiều quan chức khác đã bị kỷ luật trong vụ lấn chiếm đê Yên Phụ, thậm chí còn có cán bộ cấp cục phải vào tù vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý... trong bảo vệ đê điều.

Việc giải quyết thấu tình đạt lý nhưng rất nghiêm khắc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về tình trạng lấn chiếm đê Yên Phụ - Nghi Tàm (Hà Nội) cũng xuất phát từ chuyện báo chí hồi đó vào cuộc kiên trì đeo bám. Thủ tướng rất sốt ruột và thấy cần phải mạnh tay hơn. Báo Thanh Niên hồi đó với những cây bút như Nguyễn Việt Chiến và Tiến Thanh đã viết tới hàng chục bài điều tra, phóng sự, gây hiệu ứng và có tiếng vang tốt xung quanh đề tài này.

Theo Quốc Phong/Thanh Niên