Tại Liên khu 3, ông Trịnh Vân Yên đã chủ trì chế tạo ra súng bazoka 75 ly gây nên nỗi kinh hoàng cho quân Pháp ở đồng bằng.

Đầu năm 1947, quân Pháp ồ ạt dùng xe tăng, xe bọc thép mở nhiều cuộc tiến công trên đường số 5 và các tỉnh Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên. Trên các dòng sông, từ Hải Phòng và từ biển, ca nô và tàu chiến chở quân Pháp bắn phá dọc bờ sông trợ lực cho cánh quân trên bộ.

{keywords}

Tượng đồng ông Lê Quang Thiệu bên khẩu bazoka. Ảnh: Tư liệu gia đình ông Lê Quang Thiệu

Quân khu trưởng Hoàng Minh Thảo nghĩ đến súng đạn bazoka có khả năng bắn xuyên thủng thép dày, phá được xe tăng, ca nô, tàu chiến… Đây cũng là ưu tư của Bí thư Khu ủy Lê Thanh Nghị. Trong đại chiến thế giới lần thứ hai, đạo quân xe tăng hạng nặng của phát xít Đức tung hoành ở châu Âu, nhưng khi sang Bắc Phi thì bị quân Mỹ dùng súng bazoka đánh bại. Nước Mỹ có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, còn nước ta trong hoàn cảnh kháng chiến, điều kiện vật chất kỹ thuật thiếu thốn mọi bề, chế tạo sao được bazoka?

Món quà vô giá

Nhân dịp Tết âm lịch, Bí thư Khu ủy Lê Thanh Nghị về thăm, chúc tết anh chị em các xưởng vũ khí trong khu. Bí thư vào thăm gia đình kỹ sư Trịnh Vân Yên thì được biết ông đang ở xưởng. Thì ra, ông Yên vừa khám phá ra kết cấu của súng đạn bazoka Mỹ nên hối hả làm quên cả ăn tết.

Xưởng XC từ năm 1946 đến 1949 đã sản xuất gần 10 vạn lựu đạn và hơn 2 vạn mìn, địa lôi. Số súng đạn bazoka do xưởng sản xuất cũng nhiều, hơn 50 súng và 500 đạn.

Từ khi xe tăng và xe bọc thép của Pháp từ Hải Phòng đánh về mà không có vũ khí đánh chặn, ông Yên đã nghĩ đến việc nghiên cứu chế tạo bazoka, nhưng không có tài liệu kỹ thuật. 

May mắn là sau ngày Toàn quốc kháng chiến, quyết tử quân Trần Đình Tùng chiến đấu ở mặt trận thành phố Nam Định thu được một khẩu súng và một quả đạn kiểu lạ. 

Trần Đình Tùng biết “chú Yên” (bạn thân của bố) đang phụ trách sản xuất vũ khí, đã đem súng đạn này tặng để chú nghiên cứu. Đó chính là mẫu súng bazoka của Mỹ. Thật là một món quà vô giá!

Không có tài liệu kỹ thuật hướng dẫn, ông Yên quyết định tháo tung các bộ phận của đạn để nghiên cứu. 

Hai thợ cơ khí giỏi là Trịnh Bá Nùng, em ruột ông Yên và ông Bùi Văn Thụy (sau này là Giám đốc Xí nghiệp bóng đèn phích nước Rạng Đông) thực hiện việc tháo này, bất chấp nguy hiểm. Công việc được tiến hành ngay trong nhà cụ Ba Liệu tại làng Vũ Trung (H.Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Ông Yên nhận thấy nòng súng bazoka được cấu tạo đơn giản: đó là một ống thép rỗng hai đầu, có đường kính 60 ly. Các bộ phận của đạn không có gì phức tạp, khó là việc tìm hiểu tính chất của thuốc cháy đẩy đạn đi và việc cấu tạo mồi nhóm. 

Muốn chế tạo súng đạn bazoka, cần khám phá tính chất của các thứ thuốc ấy và phải có vật liệu sắt thép cần thiết, đặc biệt nhất là ống thép các cỡ.

Vì xưởng không có ống thép 60 ly nên ông Yên phải cho anh em công nhân trong xưởng đi tìm ống thép ở nhiều nơi. Cuối cùng thì họ thu hồi được một số ống thép to 90 ly ở Nhà máy nước Thái Bình. 

Một nhóm công nhân, do ông Lê Văn Lan là thợ gò giỏi ở thị xã Nam Định chỉ đạo, nung đỏ ống nước 90 ly rồi cho tóp nhỏ hơn đến 75 ly. Khi tiếp tục tóp nhỏ hơn tới 70 ly thì ống nứt nên ông Yên thống nhất để nòng súng 75 ly. Kích thước đạn chế tạo sẽ là 73 ly để phù hợp với cỡ nòng.

Trong hồi ký của mình, ông Yên nhớ lại: Súng bazoka 75 ly sử dụng loại đạn lõm, có sức bắn thủng vỏ thép và xe tăng thiết giáp loại lớn, có thể phá được tường dày và các lô cốt. Tầm bắn ngang 200 m. 

Tầm bắn cầu vồng qua đê, tường cao có thể bắn xa được 450 m. Ngắm bắn từ xa tàu thủy và ca nô dưới sông cũng gây sát thương…

Hoan hô anh ba lần

Bazoka 75 ly có ưu điểm là sức công phá mạnh hơn bazoka 60 ly (do thiếu tướng Trần Đại Nghĩa chế tạo ở Việt Bắc).

 Hơn chục anh em công nhân trong và ngoài xưởng lao động miệt mài suốt 3 tháng trời, cuối cùng việc chế thử súng bazoka của ông Trịnh Vân Yên cũng đã hoàn thành. Sản phẩm ban đầu là 2 khẩu súng với 10 viên đạn.

Ông Trịnh Bá Đàn, cán bộ quân giới hưu trí, hiện trú tại phố Nguyễn Đổng Chi (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhớ lại cuộc bắn thử súng bazoka đầu tiên diễn ra vào tháng 3.1947 tại huyện lỵ Phụ Dực (cũ) tỉnh Thái Bình dưới sự chứng kiến của Bí thư Khu ủy Lê Thanh Nghị. Đích thân Tư lệnh khu 3 Hoàng Minh Thảo chỉ huy và ông Bùi Văn Thụy được cắt cử trực tiếp bắn quả đạn đầu tiên.

Khoảng 10 ngày sau, lần bắn thử thứ hai được triển khai bên bờ sông Luộc thuộc H.Quỳnh Côi (Thái Bình). Cuộc thử nghiệm này do Giám đốc xưởng XD Lê Quang Thiệu chỉ huy, đều đạt yêu cầu.

Súng bazoka gọn nhẹ và cơ động, rất dễ sử dụng đã được bộ đội và dân quân dùng đáp trả giặc quyết liệt. Thế và lực của quân dân ta đã chuyển từ phòng thủ sang thế tiến công.

Tin thắng trận từ các mặt trận gửi về làm nức lòng những người chế tạo vũ khí. 

Ông Nguyễn Lương Bằng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đã gửi một lá thư khen tặng riêng kỹ sư Trịnh Vân Yên: “Những vũ khí của Yên, trong đó có bazoka cung cấp cho chiến trường đã giành được chiến thắng giòn giã. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, tôi hoan hô anh ba lần...”.

Theo Thanh Niên