- Không ít ĐBQH đã thể hiện lo ngại việc "dân kiện quan" không thỏa đáng khi tòa án cấp huyện khó độc lập với chính quyền huyện.

Tại phiên họp sáng nay, QH đã thông qua dự thảo luật Tố tụng hành chính sửa đổi. Trong đó, nội dung "tòa có xử được án hành chính cùng cấp không", là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. 

Không ít ĐBQH đã thể hiện lo ngại việc "dân kiện quan" không thỏa đáng khi tòa án cấp huyện khó độc lập với chính quyền huyện.

{keywords}
Ảnh: Hoàng Long

UB Thường vụ QH cho biết đã xin ý kiến ĐBQH. Kết quả có 279 ĐB (67,7%) tán thành giao cho tòa án cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện; 126 ĐB (30,6%) muốn giữ như cũ là tòa huyện xử án hành chính cấp huyện.

Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo đa số ý kiến của ĐBQH.

Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là một nội dung bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi được QH thông qua sáng nay quy định.

Luật được thông qua quy định: Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định được thực hiện theo các nguyên tắc do bộ luật Dân sự và bộ luật này quy định.

Theo đó, nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng là áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.

Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi và luật Tố tụng hành chính sửa đổi đều có hiệu lực từ 1/7/2016.

Chung Hoàng