- Khi sở chỉ huy cho khẩu lệnh “Bình Minh”, tức lệnh mở rađa để sục sạo, tìm kiếm mục tiêu, quả tên lửa hồng ngoại “K-13” vọt ra khỏi cánh máy bay và bay về phía mục tiêu. Tôi báo cáo về sở chỉ huy: “Đã uống bia xong!”.

Vinh dự xuất kích trên MiG-21 đầu tiên đã được Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân trao cho phi công Nguyễn Hồng Nhị - đoàn trưởng đoàn học bay MiG-21, phi công người huyện Hoài Sơn, tỉnh Bình Định, người sau đạt cấp Át (Aces - danh hiệu cho các phi công quân sự bắn hạ được từ 5 máy bay của đối phương trở lên), nổi tiếng khắp năm châu nhờ chiến công bắn rơi 8 máy bay của không quân Hoa Kỳ.

{keywords}

Phi công Nguyễn Hồng Nhị bên chiếc MiG-21 chụp năm 1969 khi vừa được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Ảnh do gia đình phi công Nguyễn Hồng Nhị cung cấp. Nguồn: Báo Bình Định

Cuộc xuất kích mang tính lịch sử của không quân VN vào ngày 4/3/1966 còn có phi công Nguyễn Đăng Kính trực dự bị. Tại sở chỉ huy Trung đoàn 921, trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện và phó trung đoàn trưởng Trần Mạnh chủ trì kíp trực.

Cuộc xuất kích được kể lại rằng, lúc 13h53, ngày 4/3/1966, khi rađa phát hiện tốp máy bay trinh sát tầng cao bay vào khu vực Việt Trì, Thái Nguyên, đường số 1 và hướng ra phía đông bắc, Bộ tư lệnh lệnh cho phi công Nguyễn Hồng Nhị cất cánh.

Tuy nhiên, khó khăn cho phi công MiG-21 lần đầu xuất kích là máy bay không người lái bay ở độ cao trên 18.000m, tại độ cao đó tính năng điều khiển máy bay rất kém.

Lúc 13h55, sở chỉ huy lệnh cho phi công Nhị vào cấp 1, đến 14h01 lệnh cất cánh ngay. Sau khi cất cánh, phi công Nhị bay hướng 270 độ, khi lên đến độ cao 6.000m, phi công Nhị xin phép bỏ thùng dầu phụ.

Sau khi qua mức 8.000m, sở chỉ huy lệnh mở tăng lực toàn phần lấy tốc độ M 1,8 và lên độ cao 18.000m.

Do điều khiển máy bay trên độ cao 18.000m rất khó, phi công Nguyễn Hồng Nhị phải tính toán và điều khiển máy bay rất chính xác để đạt được độ cao và tốc độ cần thiết.

Lúc này sở chỉ huy cho bay hướng 90 độ và thông báo mục tiêu cách 60km. Sau đó giây lát, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã phát hiện bên trái 40km có vệt kéo khói, anh phán đoán đó là mục tiêu và quyết định bám theo.

Khi đến gần, Nguyễn Hồng Nhị đã nhận ra đó là máy bay không người lái, cánh dài và vểnh lên.

Thời điểm lúc 14h21 ngày 4/3/1966 đã đi vào lịch sử của Không quân nhân dân VN khi phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Nhị ấn nút phóng quả tên lửa thứ nhất tiêu diệt chiếc máy bay trinh sát không người lái, như phát tên lửa báo hiệu sự xuất hiện của một loại vũ khí mới, một thế hệ phi công mới, mở ra một trang sử mới của Không quân nhân dân VN.

Sau chiến công của Nguyễn Hồng Nhị đánh dấu sự xuất hiện của MiG 21 trên bầu trời VN, còn nhiều chiến công lừng lẫy, hạ gục những “Thần sấm”, “Con ma”, "Pháo đài bay B-52”...

Những niềm tự hào của không quân Hoa Kỳ đều có chung kết cục phải khuất phục MiG 21. Theo thống kê, các phi công MiG đã bắn rơi 174 máy bay Mỹ các loại, trong đó có cả B-52.

Đã có 56 phi công MiG VN bắn rơi máy bay Mỹ, 18 người bắn rơi 4 chiếc trở lên. Hàng loạt "người hùng bầu trời" xuất hiện như Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Đức Soát...

Hàng loạt kỷ lục của cả thế giới được xác lập như phi công đầu tiên và duy nhất lái MiG 21 bắn rơi 9 máy bay Mỹ, bắn rơi B52, lần đầu tiên trên thế giới bắn rơi EB 66…

“Đã uống bia xong”

Trong cuốn Nhật ký chiến đấu của Nguyễn Hồng Nhị, sự kiện ngày 4/3/1966, ngoài những chi tiết tỉ mẩn về chiến công đầu tiên của MiG 21, ông còn tiết lộ những tiếng lóng, thuật ngữ bí mật mà không quân VN sử dụng trong những cuộc không chiến.

Cuốn nhật ký có đoạn:  "Đồng chí trung đoàn trưởng điện thoại và thông báo có tin tình báo máy bay U-2 và không người lái sẽ trinh sát chụp ảnh các mục tiêu, yêu cầu tôi chuẩn bị tất cả các phương án đánh địch.

{keywords}

 Ông Nguyễn Hồng Nhị (ngồi thứ 2 từ phải qua) cùng các cựu sĩ quan Quân chủng PK - KQ đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào mùa xuân năm 2007. Ảnh do gia đình phi công Nguyễn Hồng Nhị cung cấp. Nguồn: Báo Bình Định

Tôi mở bản đồ xem lại các phương án. Phương án đánh không người lái dễ thì ít mà khó thì nhiều...

Sau bữa ăn trưa, tôi đứng trước hiên nhà trực chiến quan sát và dự báo đây là thời điểm chụp ảnh tốt nhất vì tấm ánh sáng đều, không bị bóng che.

Đúng lúc đó tôi nghe tiếng hô: “Một chiếc cao không cấp 1!”. Tôi nhanh chóng mặc quần áo cao không rồi chạy ra máy bay leo vào buồng lái, mở máy. Tôi cho máy bay lăn ra và cất cánh...

Khi sở chỉ huy cho khẩu lệnh “Bình Minh”, đó là lệnh mở rađa để sục sạo, tìm kiếm mục tiêu... Quả tên lửa hồng ngoại “K-13” vọt ra khỏi cánh máy bay và bay về phía mục tiêu.

Tôi báo cáo về sở chỉ huy: “Đã uống bia xong!” (mật khẩu có nghĩa là đã phóng tên lửa). Sở chỉ huy thông báo trên màn hình mục tiêu đã biến mất, cho tôi quay về hạ cánh...".

Hoàng Sang

Tiếp: Át chủ bài bí ẩn của Không quân VN