- Năm 2015 ghi dấu mốc kép quan trọng trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

LTS: Neven Mimica, Cao ủy Phụ trách Hợp tác và Phát triển Quốc tế của Ủy ban châu Âu vừa có chuyến công tác tại Việt Nam. Kết thúc chuyến thăm, ông có bài viết riêng gửi tới VietNamNet nói về chuyến công tác này cũng như mối quan hệ Việt Nam - EU: 

Vào tuần này, tôi đã có cơ hội dành thời gian cho chuyến công tác tại Việt Nam với vai trò là Cao ủy châu Âu phụ trách về hợp tác quốc tế và phát triển. 

Mục đích chính của chuyến công du đó là tận mắt chứng kiến công việc của Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng như ở khu vực và gặp gỡ với các vị lãnh đạo cấp cao ở đây.

Năm 2015 ghi dấu mốc kép quan trọng trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam. EU đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam 25 năm về trước, vào tháng 10 năm 1990. 

{keywords}
Cao ủy Phụ trách Hợp tác và Phát triển Quốc tế của Ủy ban châu Âu Neven Mimica

Chỉ năm năm sau, vào tháng 7 năm 1995, hai bên đã ký Hiệp định Hợp tác giúp hình thành một khuôn khổ để hai phía có thể phối hợp với nhau. Hiệp định này cũng tạo ra một cơ chế đối thoại thường xuyên nhằm trao đổi quan điểm, xây dựng các chương trình hợp tác và đề xuất sáng kiến.

Trên cơ sở này, quan hệ EU-Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, là kết quả của những nỗ lực chung trong Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên, và trong số này đã có 20 vị đại sứ tại Việt Nam. Trong suốt 25 năm qua, mối quan hệ của chúng ta đã phát triển và được tăng cường. 

Chúng tôi khởi đầu từ việc cung cấp viện trợ nhận đạo, và sau đó tiến tới hỗ trợ phát triển và hiện nay chúng tôi đang tập trung ngày một nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại. 

Sự thay đổi này trong hỗ trợ của chúng tôi là tích cực, đồng thời phản ánh sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong cả giai đoạn vừa qua. Ấn tượng mà tôi có được về Hà Nội đó là một thành phố hối hả đầy tiềm năng, và là thành phố được hình thành từ một đất nước mà những chỉ số kinh tế đã nói lên tất cả.

Việt Nam - ưu tiên của nghị trình EU

Bên cạnh những bước tiến về phát triển kinh tế thì cũng luôn đi cùng với những thách thức mới và phức tạp. 

Biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và sự tiếp cận công bằng với những dịch vụ công chất lượng cao là những vấn đề ảnh hưởng tới không chỉ các quốc gia Đông Nam Á mà cả những nước khác ở châu Âu và trên thế giới. 

Hỗ trợ phát triển ở Việt Nam nằm trong ưu tiên cao trong nghị trình của EU, khối EU hiện nay là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam. 

Khi mà hiện nay các nhà tài trợ truyền thống đang rút dần viện trợ cho Việt Nam thì EU lại cam kết tập trung hỗ trợ trong các lĩnh vực trọng điểm là năng lượng, y tế và quản trị công/pháp quyền, cũng như luôn đồng hành trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.

{keywords}
Cao ủy châu Âu trong cuộc gặp Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Trong chuyến thăm của mình, tôi đã tham dự Lễ Công bố Thương hiệu xuất sắc Vietcraft. Đây là một sáng kiến của Việt Nam nhằm giúp xúc tiến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao của Việt Nam, với mục tiêu xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài như các nước châu Âu. 

EU đã cung cấp hỗ trợ cho dự án này và các nhà thiết kế châu Âu cũng đã có mặt tại sự kiện để trình bày về những công việc mình đã triển khai trong dự án. Việc công bố này cũng rất kịp thời khi mà Việt Nam và Liên minh châu Âu đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về một Hiệp định Thương mại tự do, dự kiến sẽ được ký kết trong một vài tháng tới dây. 

Dự án này đã cho thấy một cách thức cụ thể mà theo đó các nhà sản xuất Việt Nam có thể tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình một cách bền vững.

Vào thứ Hai vừa rồi, tôi đã chủ trì một sự kiến đánh dấu 20 năm hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa châu Âu và Việt Nam. 

EU đã đưa ra một chương trình tham vọng nhằm hỗ trợ các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe, có sự tập trung vào những vùng nghèo nhất mà ở đó việc tiếp cận với dịch vụ y tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn nhất. 

Trong hầu hết các chương trình phát triển do Liên minh châu Âu tài trợ tại Việt Nam, sự hỗ trợ của chúng tôi chủ yếu dưới hình thức khoản viện trợ thay vì khoản cho vay. Đây là một trong những đặc điểm chính trong cách mà EU cung cấp viện trợ nước ngoài.

Trong khoảng thời gian ở Hà Nội, tôi đã có dịp gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số Bộ trưởng cũng như các quan chức cấp cao khác. 

Hợp tác với EU là một ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Việt Nam, cũng như trong quan hệ của Việt Nam với khu vực, đặc biệt là với các quốc gia trong ASEAN. 

Rất nhiều những thách thức chúng ta phải đối mặt trong một thế giới với xu thế toàn cầu hóa ngày một lớn chỉ có thể được giải quyết ở cấp độ khu vực hay quốc tế và tôi cho rằng EU có nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ với các tổ chức khu vực khác.

Để tổng kết chuyến công du của mình, tôi cảm thấy tự hào về sự phát triển tích cực trong quan hệ EU-Việt Nam. 

Một bước đi vững chắc tiếp theo trong tiến trình này sẽ là việc phê chuẩn của Nghị viện châu Âu đối Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện. 

Những công cụ hỗ trợ mà chúng tôi sử dụng đã mang lại cho chúng tôi một nền tàng hết sức vững chắc để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị của chúng ta. 

Tôi kỳ vọng rằng 25 năm tiếp theo sẽ còn thành công hơn so với giai đoạn vừa qua mà năm nay chúng ta đang kỷ niệm.

Neven Mimica

Cao ủy Phụ trách Hợp tác và Phát triển Quốc tế - UB châu Âu