- Hiện nay có 131 thứ trưởng và tương đương, tăng 9 người so với đầu nhiệm kỳ. Có 238 phó chủ tịch tỉnh - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước QH.

Mở đầu phiên chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến năm 2015.

Báo cáo về lĩnh vực nội vụ, ông Phúc cho biết nội dung chất vấn tập trung vào tổ chức bộ máy biên chế, số lượng cấp phó, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và công tác cải cách hành chính.

Tăng do sắp xếp hợp nhất

Đối với lĩnh vực này, Chính phủ nhìn nhận tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được sắp xếp, kiện toàn, cơ bản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan chuyên môn ở địa phương được giữ ổn định.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ quản lý chặt chẽ biên chế công chức, kể cả biên chế dự phòng và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Phúc cũng cho biết, tổng số cán bộ cấp thứ trưởng cơ bản không tăng so với đầu nhiệm kỳ; một số cơ quan tăng do sắp xếp tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và yêu cầu của công tác cán bộ.

Cụ thể hiện nay có 131 thứ trưởng và tương đương, tăng 9 người so với đầu nhiệm kỳ. Còn số lượng cấp phó ở các địa phương có 238 phó chủ tịch UBND cấp tỉnh. Nếu không tính 27 người thuộc diện luân chuyển, con số này so với quy định thì vượt 9 người còn so với đầu nhiệm kỳ giảm 5 người.

“Việc tăng số lượng cấp phó các đơn vị thuộc một số bộ, ngành chủ yếu do sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy nội bộ đối với những lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng”, ông Phúc lý giải và cho biết số lượng cấp phó ở các bộ, ngành và địa phương sẽ giảm trong quá trình thực hiện luật Tổ chức chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Việc đổi mới chế độ công vụ, công chức còn chậm; tinh giản biên chế còn khó khăn.

Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà. Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm.

Ngăn chặn thông tin độc hại còn khó

Về lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, đã thực hiện một số việc nổi bật như xây dựng, trình QH dự án luật Báo chí (sửa đổi), luật An toàn thông tin. Đồng thời, ban hành và triển khai các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Ngành thông tin truyền thông cũng chú trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm thông tin truyền thông có công nghệ cao. Phòng chống mã độc, tấn công mạng và các doanh nghiệp viễn thông, cung cấp dịch vụ mạng....

Tuy nhiên, sai phạm trong hoạt động báo chí còn nhiều; việc ngăn chặn thông tin sai trái, độc hại trên các trang tin điện tử, mạng xã hội rất khó khăn; việc bảo an toàn thông tin, an ninh mạng còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng tin nhắn rác, sim rác.

Thu Hằng