- Điểm nổi bật nhất của dự thảo luật Báo chí lần này chính là cụ thể hóa Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến là người từng trực tiếp tham gia đoàn giám sát tình hình thi hành luật Báo chí. Bản thân ông cũng từng có nhiều năm làm báo.

Ông trao đổi với VietNamNet về dự thảo luật Báo chí (sửa đổi) đang được QH cho ý kiến có nhiều quy định mở, tiếp cận trào lưu phát triển của báo chí thế giới.

Điểm mới, cởi mở hơn, đó là quan tâm đến mô hình tập đoàn, tổng công ty, các viện, các trường cần có tạp chí để công bố các công trình khoa học, trong đó có chú ý cả trường công lập và ngoài công lập, hoàn toàn tự chủ về tài chính.

“Tôi ủng hộ việc này vì chia sẻ khó khăn cho Nhà nước, mà người dân cũng được tiếp cận thông tin nhiều nhưng không phải dùng nhiều ngân sách nhà nước để trang trải cho các cơ quan báo chí” - ông cho biết.

{keywords}

Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến: Luật báo chí cụ thể hóa Hiến pháp 2013

Dân có quyền tham gia hoạt động báo chí

Mong muốn của các cơ quan báo chí hiện nay là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng có ý kiến băn khoăn dự thảo luật vẫn còn bó buộc. Quan điểm của ông?

Tôi cho rằng luật ra đời không chỉ để quản lý báo chí mà phải song hành, vừa tạo điều kiện quản lý tốt hơn nhưng điều quan trọng hơn là để cho báo chí hội nhập và phát triển, đó mới là quan trọng.

Nếu chúng ta chỉ tập trung vào quản lý nhà nước về báo chí thì đấy không phải là luật báo chí mà thành luật quản lý báo chí rồi. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các cơ quan tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước quản lý tốt hơn báo chí, luật cũng phải tạo điều kiện cho báo chí phát triển cho đúng với tinh thần Hiến pháp 2013.

Và điểm nổi bật nhất của dự thảo luật Báo chí lần này chính là cụ thể hóa Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Luật cũng bổ sung thêm các quy định mới như: công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí, tiếp cận thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật, có quyền biểu đạt thông tin và tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí….

Nghiêm cấm xúc phạm nhà báo

Không ít cơ quan báo chí bức xúc trước tình trạng nhiều trang tin điện tử “ngồi mát ăn bát vàng”, xào bài của các nhà báo lao động chân chính. Dự thảo luật lần này điều chỉnh ra sao thực tiễn này?

Lần này dự thảo luật có quy định quản lý đối với những trang thông tin và những loại hình tương tự như báo chí. Trong đó có quy định rất rõ không được đưa lại, xào xáo lại thông tin của các báo.

Luật cũng nghiêm cấm hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

{keywords}
Báo chí tác nghiệp. Ảnh: Hoàng Long

Không chỉ “xào xáo”, thậm chí còn có tình trạng cắt xén, thêm bớt. Đó chính là ăn cắp bản quyền cần phải lên án.

Thời gian qua, xuất hiện một số vụ nhà báo bị cản trở trong quá trình tác nghiệp, thậm chí là bị hành hung. Dự thảo luật có quy định khắc phục tình trạng này?

Dự luật có quy định nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Cụ thể, không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Tuy nhiên, theo tôi cần nghiêm cấm cá nhân, tổ chức xúc phạm danh dự, thân thể, sức khỏe, thậm chí tính mạng của nhà báo. Nghiêm cấm việc thu hồi phương tiện hành nghề trong lúc nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật.

Không thể nào lấy lý do bảo vệ cơ quan mà xúc phạm danh dự, thậm chí là tính mạng nhà báo. Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm thì phải xử lý chứ không chỉ nói cấm suông. Đặc biệt phải có chế tài, nếu vi phạm phải bị nghiêm trị.

Hiện nay chỉ có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn được về tài chính và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Còn lại đại bộ phận dựa vào ngân sách.

Nếu không quy hoạch, sắp xếp lại dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực, trùng lắp thông tin và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Dự thảo luật cũng định hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan báo chí, đặc biệt là nhóm hưởng ngân sách để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Thu Hằng