Pha trộn giữa sự hoài nghi lẫn nhau và những động thái "ăn miếng trả miếng" đã khiến quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Thậm chí có nhiều người lo ngại rằng, Mỹ-Trung có thể bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Ông Tập Cận Bình thăm Mỹ: TQ mất ánh hào quang?

Đó là lý do giới quan sát đều hướng tới cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama tại Washington DC ngày 24/9. 

Từ quan điểm của Mỹ, hành xử thiếu thận trọng của TQ ở Biển Đông, những cuộc tấn công mạng không ngớt nhằm vào các mục tiêu Mỹ, chính sách bảo hộ kinh tế, và ít nhiều bất ổn chính trị trong nước đã phá vỡ niềm tin TQ sẽ tương tác với toàn cầu, trở thành một đối tác có trách nhiệm và hợp tác.

{keywords}
Ảnh: Washington Post

Tiến thoái lưỡng nan

Về phần mình, các nhà lãnh đạo TQ coi chiến lược trục xoay châu Á của Mỹ là cách thức để ngăn chặn ảnh hưởng địa chính trị của TQ. Họ bị ám ảnh với ưu thế của Mỹ trong tài chính và công nghệ quốc tế. Quan trọng nhất, Bắc Kinh coi cam kết tự do dân chủ mà Mỹ theo đuổi là mối đe dọa hiện hữu với đảng cầm quyền.

Pha trộn giữa sự hoài nghi lẫn nhau và những động thái "ăn miếng trả miếng" đã khiến quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989. Thậm chí có nhiều người lo ngại rằng, Mỹ-Trung có thể bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới.

Với ông Tập Cận Bình, để duy trì hình ảnh trong nước là một nhà lãnh đạo quyền lực và mạnh mẽ, ông theo đuổi những tuyên bố và chính sách mang đậm chủ nghĩa dân tộc. Nhưng TQ cũng cần một mối quan hệ ổn định với Mỹ.

Xem xét những động thái gần đây của TQ và Mỹ, có thể chờ đợi những thành công ở mức "khiêm tốn" trong các vấn đề bất đồng hai nước. 

Dù nỗ lực cải thiện quan hệ nhưng sự bất đồng không thể tránh khỏi. Nhưng hai bên có thể ngăn chặn sự sụt giảm. Như trước khi ông Tập tới Mỹ, Bắc Kinh và Washington đều có bước đi tích cực dù mang tính biểu tượng để chứng minh thiện chí và cải thiện không khí ngoại giao. 

Mỹ đã dẫn độ một quan chức TQ cấp thấp đối mặt với cáo buộc tham nhũng. Chính quyền của ông Obama cũng quyết định không công bố biện pháp trừng phạt với các đơn vị, cá nhân TQ bị cáo buộc tham gia các cuộc tấn công mạng vào tập đoàn, cơ quan chính phủ Mỹ.

TQ thì thả tự do một nhà hoạt động nhân quyền và cử một phái đoàn cấp cao sang Mỹ để thảo luận về an ninh mạng. 

Hai bên được cho là đang thương thảo về một thỏa thuận quan trọng nhằm nghiêm cấm các cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở mỗi nước. Thỏa thuận này có thể là kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung.

Thay đổi chính sách?

Với Bắc Kinh, "phần thưởng" lớn nhất là hiệp định đầu tư song phương (BIT). Nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để các công ty TQ đầu tư và hoạt động tại Mỹ, cũng như gia tăng sự tiếp cận của các tập đoàn Mỹ với thị trường TQ.

Thỏa thuận này cũng đem lại lợi ích trước mắt cho ông Tập - vì nó đại diện cho sự tin tưởng của Mỹ trước nền kinh tế đang có dấu hiệu bất ổn của TQ. 

Nhưng triển vọng cho một BIT là không chắc chắn. Quốc hội Mỹ còn nhiều hoài nghi sâu sắc, và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng còn cần nhiều thuyết phục hơn nữa. 

Cả hai từng thất vọng cay đắng vì những chính sách thương mại của TQ sau khi nước này ra nhập WTO. Có quá nhiều vấn đề khúc mắc chưa giải quyết và một thỏa thuận khó đạt được nhanh chóng trong cuộc gặp thượng đỉnh.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông là một khó khăn khác. TQ đặt cược tự tôn quốc gia và tự tôn dân tộc vào vấn đề này, có nghĩa là ông Tập Cận Bình có thể cự tuyệt yêu cầu của Mỹ rằng, TQ nên ngừng mọi hoạt động quân sự hóa trên các đảo nhân tạo họ làm nên ở vùng biển tranh chấp.

Chủ đề chính trị nhạy cảm nhất mà ông Tập khó tránh trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ là nhân quyền.

Tổng thống Obama tuyên bố, vấn đề nhân quyền sẽ nằm trong chương trình trao đổi của ông với ông Tập. Nhưng Chủ tịch TQ được dự đoán là sẽ không nhượng bộ vấn đề này.

Liệu ông Tập Cận Bình có thể đủ sức hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ Trung - Mỹ thời gian gần đây? 

Và quan trọng sau cuộc gặp thượng đỉnh ngày 24/9, TQ có những bước đi cụ thể gì để phản ánh sự thay đổi về mặt chính sách từng gây bất hòa trong quan hệ song phương?

Thái An (theo Project-syndicate)