- Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định kết quả PAR Index được giữ bí mật đến khi công bố, không bộ ngành, địa phương nào biết trước để chạy chọt được. 

Lý giải với VietNamNet về độ tin cậy và tính khách quan của chỉ số Cải cách hành chính - PAR Index, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc công bố chỉ số này chỉ là bước đầu.

Tại sao một số chỉ số khác như quản trị hành chính công cấp tỉnh -  PAPI, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh -  PCI do người dân, doanh nghiệp chấm điểm cũng liên quan đến cải cách hành chính (CCHC) nhưng kết quả lại không lạc quan như PAR Index? Liệu có phải do phần lớn số điểm của PAR Index do các bộ ngành, địa phương tự chấm?

PAR Index không chỉ có bộ ngành, địa phương tự chấm mà có cả điều tra xã hội học từ người dân và doanh nghiệp. Các bộ ngành, địa phương tự chấm 60%, còn 40% đánh giá qua điều tra xã hội học để tập hợp các ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan thường xuyên tiếp xúc, làm việc với bộ ngành, địa phương.

Như vậy cũng đảm bảo được tính khách quan và công bằng. 

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Hơn nữa hiện nay, Bộ Nội vụ đang phối hợp với MTTQ và Hội Cựu chiến binh đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính. Mức độ hài lòng của người dân cũng là một tiêu chí để đánh giá chỉ số CCHC. Chỉ số CCHC công bố hiện nay chỉ là bước đầu. 

Ông thấy có sự chênh lệch nào giữa kết quả tự đánh giá của các bộ ngành, địa phương với kết quả thẩm định của Bộ?

Việc để cho các bộ ngành, địa phương tự đánh giá 60/100 điểm là để cho họ tự đánh giá lại những kết quả mình đã thực hiện được. Còn việc Bộ Nội vụ thẩm định, rà soát, kiểm định lại điểm số các bộ ngành, địa phương tự đánh giá là để đảm bảo điểm số được khách quan, công bằng và chính xác.

Thực tế thẩm định cho thấy khoảng cách không nhiều. Các bộ ngành, địa phương khi chấm cũng đảm bảo tính nghiêm túc. Cái gì làm được họ nói làm được, cái gì không làm được họ cũng nhìn nhận. 

Tuy nhiên để đảm bảo khách quan, chính xác hơn nữa, chúng tôi sẽ nghiên cứu lại đối tượng và thành phần đánh giá trong thang điểm sao cho phù hợp. 

Không thể chạy chọt được

Một trong những lo lắng của dư luận là tình trạng chạy chọt, nể nang trong quá trình xếp hạng CCHC. Bộ có cơ chế giám sát như thế nào để tránh tình trạng này? 

Tôi khẳng định là không thể chạy được. 

Bởi vì điểm là do các bộ ngành, địa phương tự đánh giá phần lớn. Thứ hai, chúng ta có cơ chế thẩm định điểm đánh giá đó. Hội đồng thẩm định không chỉ có mỗi Bộ Nội vụ mà còn có sự tham gia của Bộ Tư pháp, KHCN, TT&TT, Văn phòng Chính phủ. Đấy là những cơ quan theo dõi từng nội dung của CCHC. Chẳng hạn như nội dung về hiện đại hóa nền hành chính có sự theo dõi của Bộ TT&TT và KHCN, tài chính công có Bộ Tài chính… 

Ngoài ra, kết quả được giữ bí mật đến khi công bố và giao cho một người chịu trách nhiệm việc này. Cho nên không ai biết trước để chạy được. 

Từ kết quả lần này, ông thấy còn những vấn đề nào các bộ ngành, địa phương cần chú ý cải cách nhiều hơn trong thời gian tới?

Qua việc xác  định chỉ số CCHC của các bộ ngành cho thấy, việc xây dựng thể chế, xây dựng các quy định phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, bộ ngành là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hiện đại hóa nền hành chính. Cac bộ ngành, địa phương cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của mình.

Đây là ba vấn đề còn hạn chế, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm cải cách hơn nữa.

Thu Hằng