- Có thể nói hai tháng qua là một bữa tiệc dài với báo chí trong nước. Các vụ án lớn, với các tình tiết ly kỳ, liên tục xảy ra, từ Bình Phước, qua Nghệ An, tới Yên Bái, và mới nhất là vụ bốn người bị giết hại ở Gia Lai ngày 23/8, đem lại cho các báo một lượng view vô cùng dồi dào.

Cơ quan chủ quản, Bộ TT&TT, cho rằng với cách chạy theo các án mạng trong thời gian qua, truyền thông đã “vượt ngưỡng” của tự do báo chí. Trong một phỏng vấn với VietNamNet, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn tuyên bố “báo chí phải ngừng khai thác thông tin tội ác để câu khách”, một ngày sau khi Bộ gửi công văn yêu cầu báo chí dừng việc mô tả chi tiết các hành vi man rợ, khai thác đời tư v.v…

{keywords}
Ảnh: theblaze

Đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý cảnh báo về hiện tượng “báo lá cải”, nhưng ngoài những băn khoăn về tính khả thi và phù hợp của biện pháp, một vấn đề cơ bản được phóng viên VietNamNet đề cập tới: “Có thể hiểu giới hạn của việc đưa tin về các vụ án như thế nào?”; Khi nào thì được cho là có quá nhiều bài về một vụ việc, khi nào thì việc “tường thuật theo thời gian và diễn biến vụ việc” trở nên “quá chi tiết”?; Cơ quan quản lý sẽ điều chỉnh giới hạn này hàng tuần, hàng tháng, tuỳ từng bài, tuỳ từng vụ án? Bài phỏng vấn nêu trên được 65 000 likes, số like này có đại diện cho đông đảo người đọc? Đây là những câu hỏi không đơn giản.

Trong một tình huống tương tự, gần đây, Cục Xuất bản, in và phát hành cũng đã yêu cầu các nhà xuất bản dừng đăng ký xuất bản sách ngôn tình, đam mỹ, vì cho rằng chúng “vô bổ, thô tục, phản cảm, có nhiều chi tiết mô tả tình dục tỉ mỉ, không cần thiết.” Trong khi Cục cho rằng biện pháp điều tiết này là để “có lợi cho nhân dân”, thì theo một thăm dò trên báo Thể thao văn hoá, 70% người đọc cho rằng “vẫn nên cho xuất bản bình thường như trước”. Dường như đang có những quan điểm khác nhau giữa nhà quản lý và người tiêu dùng về giới hạn của quyền tự do sản xuất và lưu truyền thông tin và các sản phẩm văn hoá.

Các khác biệt quan điểm này không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia với văn hoá và mô hình quản trị khác nhau.

Một ví dụ gần đây là Singapore. Sau khi Lý Quang Diệu qua đời, Amos Yee, một thiếu niên 16 tuổi đã đăng tải lên YouTube một đoạn video 8 phút, so sánh một cách chê bai ông này với chúa Jesus rằng họ “đều là những người khao khát quyền lực”, và đăng một bức biếm hoạ mô tả cảnh ông Lý đang làm tình với bà Margaret Thatcher. Amos Yee bị bắt giữ và kết án 4 tuần tù giam vì các tội danh truyền bá văn hóa phẩm đồi truỵ, cố ý làm tổn thương tình cảm sắc tộc hay tôn giáo của người khác. Trong khi một số trí thức và tổ chức dân sự Singapore lên tiếng bảo vệ Amos Yee thì Thủ tướng Singapore cho rằng “tự do biểu đạt có giới hạn của nó”.

Ngay cả ở phương Tây, nơi được cho là có truyền thống tự do biểu đạt lâu đời nhất, cũng có nhiều tranh cãi. Tháng 5 vừa qua, quyết định của Hội Văn bút (PEN) của Mỹ trao giải thưởng Dũng cảm Tự do biểu đạt cho Charlie Hebdo, tờ báo trào phúng Pháp đã bị tấn công và làm 5 hoạ sĩ thiệt mạng hồi đầu năm, đã làm dấy lên những tranh luận căng thẳng trong cộng đồng văn chương. 

Trên 200 nhà văn, hội viên đã ký vào một bức thư ngỏ phản đối vì theo họ, tờ báo này kỳ thị Hồi giáo, không khoan dung, và những biếm hoạ của nó “có chủ ý gây thêm sự sỉ nhục và đau khổ” cho người khác. Tuy nhiên, trong buổi lễ trao giải tại New York, tổng biên tập Charlie Hebdo khẳng định niềm tin của mình vào quyền được chế nhạo tất cả tôn giáo, quan niệm và hệ tư tưởng trong một môi trường dân chủ.

Tự do nên dừng ở đâu?

Trong thời đại Internet và mạng xã hội, dòng thác thông tin chỉ cách chúng ta một cái gõ tay lên màn hình, và một phát ngôn cá nhân cũng có thể đến được với hàng triệu người.

Chính vì thế, mỗi cộng đồng đang phải đối mặt một cách cấp thiết hơn với các câu hỏi liên quan tới giới hạn của tự do biểu đạt:

Mời bạn đọc thể hiện quan điểm thông qua khảo sát ngắn dưới đây. Khảo sát có mục tiêu dựng nên một bức tranh bao quát về thái độ của người Việt, và tạo ra một thảo luận rộng rãi về tự do biểu đạt, từ đó góp phần trả lời câu hỏi về vai trò của nhà nước, về trách nhiệm của mỗi người, về cách các thành viên trong cộng đồng chung sống để cân bằng giữa nhu cầu tự do và gắn kết xã hội.

Mời bạn đọc trả lời câu hỏi khảo sát TẠI ĐÂY

Đặng Hoàng Giang (CECODES (Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng)