- Dù kinh tế còn khó khăn nhưng VN có điều kiện thuận lợi từng bước áp dụng mô hình thành phố thông minh cho các đô thị.

Xu hướng tất yếu

Theo các chuyên gia, một thành phố chỉ thực sự thông minh khi hội tụ 3 yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện, dựa trên 6 tiêu chí: nền kinh tế thông minh, vận động thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh.

{keywords} 

Phát triển thành phố thông minh là một mô hình rất cần thiết và thích hợp với xu thế chung của thế giới cũng như khả năng tiếp cận của Việt Nam trong xu thế hội nhập hướng tới nền kinh tế tri thức.

Khái niệm thành phố thông minh đã được giới thiệu ở Việt Nam trong những năm gần đây, một số nơi đã có những bước triển khai.

Năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được tập đoàn công nghệ IBM chọn là 1 trong 33 thành phố trên thế giới.

Đà Nẵng khi đó được nhận tài trợ từ chương trình thành phố thông minh hơn với tổng giá trị tài trợ hơn 50 triệu USD, sử dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân, cung cấp giao thông công cộng tốt nhất và  giảm thiểu ách tắc giao thông.

TP.HCM và Hà Nội cũng đã có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh khác nhau của thành phố thông minh như thử nghiệm sử dụng thẻ thay vì bán vé xe bus truyền thống.

Việc triển khai thành phố wifi ở một số nơi, những đề xuất về việc sử dụng điện thoại di động để truyền tải thông tin tình trạng giao thông hay những ý tưởng số hoá những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của một số doanh nghiệp.

Năm 2015, Hà Nội đã làm đề án xây dựng TP thông minh hơn với trọng tâm là chính quyền điện tử, hiệu quả trong quản lý điều hành, phát triển giáo dục y tế, văn hoá, giao thông… hướng đến hình thành và phát triển kinh tế tri thức đưa thủ đô tham gia vào các diễn đàn TP thông minh trên thế giới.

Một thuận lợi để phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam là tỉ lệ người sử dụng Internet/tổng dân số ở nước ta là khá lớn (năm 2014 đạt 43,8%, cao hơn tỉ lệ của thế giới là 42,2% và châu Á là 34,8%).

Ngoài ra, Việt Nam có gần 14.000 doanh nghiệp CNTT với 500.000 lao động; doanh thu ngành công nghiệp CNTT đạt hơn 40 tỉ USD, ước tính tổng doanh thu của ngành thương mại điện tử năm 2014 là 2,97 tỉ USD.

Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý nhà nước và các lĩnh vực đời sống xã hội, như quản lý ngân sách, thuế, hải quan…

Một số đô thị có điều kiện thích hợp áp dụng mô hình đô thị thông minh như Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, Rạch Giá, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn.

Triển vọng

Theo Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, việc nghiên cứu, tìm ra mô hình quản lý và phát triển các đô thị không chỉ có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài cho sự phát triển của các đô thị nói riêng, sự phát triển bền vững của đất nước nói chung. Xây dựng đô thị thông minh là một lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

{keywords}
Chủ tịch UB TƯ MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân

Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các đô thị Việt Nam cần được xây dựng và phát triển theo hướng trở thành đô thị thông minh để nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp môi trường sống ngày càng tốt hơn, người dân được phục vụ tốt hơn và tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.

Theo đại diện của Bộ Xây dựng, phát triển thành phố thông minh đòi hỏi sự tham gia đầu tư từ nhiều thành phần. Ngân sách nhà nước chỉ có thể hỗ trợ một số hạng mục hoặc một số công việc cụ thể, sự tham gia của xã hội là vô cùng quan trọng, do đó cần có cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư từ khâu học tập nâng cao trình độ, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất đến cấu trúc vận hành.

Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, ông Lee Jea Yong, đại diện đến từ Hàn Quốc cho rằng, các đô thị thông minh được xây dựng thí điểm từ các đô thị ven đô thị vệ tinh, sau đó sẽ kết nối thành mạng lưới hệ thống. Ngân sách xây dựng thành phố thông minh được trích từ một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp tham gia xây dựng, vận hành.

Việt Nam đang xây dựng đô thị mới, chỉ cần thêm khoảng 30% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng nữa là xây dựng được đô thị thông minh, mang lại tiện ích cực lớn cho người dân. Muốn làm đô thị thông minh, Việt Nam cần có cơ sở pháp lý, tiếp đến là vấn đề quy hoạch.

Còn đại diện đến từ Singapore nhấn mạnh, đô thị thông minh cần có sự tham gia tích cực từ phía người dân. Người dân cần thực sự hiểu được ý nghĩa của việc xây dựng các tiện ích thông  minh, từ đó sẽ là một chủ thể quan trọng trong các dự án này.

Có thể nói, việc phát triển một thành phố thông minh cần có sự tham gia của đủ các thành phần như chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng.

Các hoạt động kết nối thành phố đa chiều và đa cấp, linh hoạt đòi hỏi phải có thể chế liên kết phối hợp từ quản trị đầu tư và vận hành; Học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật, Singapore, thậm chí cần có những văn bản pháp lý đủ mạnh như luật hoặc tương đương để làm công cụ quản lý thực hiện.

D.Anh