- “Chúng ta giành được chính quyền mà không phải đổ máu ngay tại Thủ đô Hà Nội. Thế hệ trẻ cần hiểu rõ điều đó để tự hào hơn về lịch sử của dân tộc”.

Gần 20 vị lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945 (CMT8) đã làm sống lại thời khắc lịch sử.

Với chủ đề "Ký ức cuộc tổng khởi nghĩa ở Hà Nội", chiều nay UB TƯ MTTQ VN tổ chức ở Hà Nội cuộc gặp mặt để bày tỏ lòng tri ân đối với các thế hệ lãnh đạo tiền bối, những con người góp phần tạo nên lịch sử hào hùng của dân tộc.

{keywords}

Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại

Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhắc lại thời khắc lịch sử, cách đây tròn 70 năm, hàng chục vạn người dân Hà Nội đã tỏa ra từ trung tâm Nhà hát Lớn đến các quận huyện để biểu tình, mít tinh cách mạng. Đi đến đâu, cuộc diễu hành được nhân dân tiếp sức đến đó.

“Đến đây, cụ trẻ nhất đã 89 tuổi, có cụ 100 tuổi. 70 năm, những người trẻ còn được thấy các cụ ngồi đây, nghe các cụ kể chuyện lịch sử là một may mắn của thế hệ sau”, ông Nhân nói.

Thông qua hồi ức của các cụ, ông mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu rằng được rằng, vì sao khi diễn ra CMT8, Nhật-Pháp bắn nhau thì Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á giành được chính quyền. “Chúng ta giành được chính quyền mà không phải đổ máu ngay tại Thủ đô Hà Nội. Thế hệ trẻ cần hiểu rõ điều đó để tự hào hơn về lịch sử của dân tộc”.

Những người trực tiếp tham gia CMT8 đã xúc động cùng ôn lại những hồi ức như: Việt Minh tổ chức phá cuộc mít tinh tại Nhà hát Lớn ngày 17/8 và sau đó là cuộc tuần hành kéo dài tới nửa đêm khắp các con đường Hà Nội, chuyện phá kho thóc Nhật ở làng Quan Nhân, 3 mũi tiến công của Việt Minh chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), chiếm Tòa Thị chính, Tòa án, chiếm trại Bảo An binh (trên phố Hàng Bài ngày nay).

Cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, nguyên Bí thư Thành ủy HN, năm nay đã tròn 100 tuổi nhấn mạnh, CMT8 là cuộc cách mạng của toàn dân, nếu Đảng mà không nắm được dân thì không thể thành công. Bài học với chúng ta là dựa vào sức mạnh toàn dân xây dựng đất nước.

{keywords}

Cụ Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ

Cuộc cách mạng lôi kéo cả người già, người trẻ

Trong hồi ức của cụ Lê Đức Vân, ngày 17/8/1945, mỗi người trong đội Việt Minh thành Hoàng Diệu cầm theo một lá cờ nhỏ trà trộn vào đám đông ở quảng trường Nhà hát Lớn. Một tổ 3 người được giao nhiệm vụ cướp diễn đàn, giữ micro kêu gọi người dân ủng hộ Việt Minh.

Cuộc mít tinh của chính phủ Trần Trọng Kim bị phá vỡ, cờ đỏ sao vàng được treo cao, không khí người dân phấn khích ủng hộ Việt Minh và tự phát thành một cuộc biểu tình ủng hộ Việt Minh qua các phố phường Hà Nội.

{keywords}

Cụ Lê Đức Vân

Đi đến đâu, dân chúng hò hét đi theo đến đó, hô vang “đả đảo chính phủ bù nhìn”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”. Với cuộc mít tinh đó, toàn bộ người dân Hà Nội đã xuống đường ủng hộ Việt Minh. Thời cơ đã đến, ngay tối 17/8, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định tổng khởi nghĩa.  Khởi nghĩa ngày 19/8 diễn ra không sớm, không muộn và thành công. 

Giọng nói hơi run, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, thế hệ thiếu niên của CMT8 hồi tưởng, tình hình lúc đó, Hà Nội căng như sợi dây đàn, người dân đều nhận thấy chính phủ Trần Trọng Kim hỏng rồi, phải theo Việt Minh.

“Sau mít tinh, người ai cũng ướt hết. Trên đường về, chúng tôi gặp cụ già râu dài, người cũng ướt sũng đi từ Hàng Bài xuống cứ được 10 bước quay lại phía Nhà hát Lớn hô ủng hộ Việt Minh. Điều đó chứng tỏ dân mình từ trẻ đến già đều đã theo Việt Minh”.

Đại tá Nguyễn Hải Hùng, người phụ trách phong trào Việt Minh khu vực ngoại thành Hà Nội kể lại cuộc chiếm trại lính Đại lí Hoàn Long. Ngay ngày 17/8, các lãnh đạo Thành ủy và Xứ ủy Bắc Kỳ đã nói với nhau thời cơ chín muồi, nhân dân Hà Nội đã theo Việt Minh rồi quyết định khởi nghĩa 19/8.

{keywords}

Đại tá Nguyễn Hải Hùng

“Không khí CMT8 đã lôi kéo cụ già, trẻ em cũng đi theo cách mạng. Cuộc biểu tình từ Cầu Mới lên đường số 6, xe của Nhật đi lại đông, các khẩu súng chĩa đầu đoàn biểu tình nhưng đoàn biểu tình rất bình tĩnh vượt qua không va chạm với quân Nhật”, ông nói.

{keywords}
Cụ bà Lê Thy

Cụ bà Lê Thy cũng ôn lại kỷ niệm ngày được giao nhiệm vụ kéo cờ tại lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9. “Lúc mới kéo, không ai chỉ cho mình, lá cờ chỗ cao chỗ thấp tôi lo lắm. Đến khi lá cờ giương lên tung bay giữa trời, tôi mới nhẹ nhõm người”.  

Nói về bài học CMT8, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lưu ý đến việc vận dụng bài học CMT8 vào hiện tại như thế nào.

{keywords}

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

“Tại sao lúc khó khăn như thế ta vận động một người dân trở thành 10, hàng trăm người, đến bây giờ có làm được thế không”, ông nhắc nhở.

{keywords}
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Cứ sau mỗi câu chuyện được chính các nhân vật lịch sử kể lại, cả hội trường lại vang giòn những tràng pháo tay cảm phục thế hệ cha ông đi trước.

GS Phan Huy Lê: Món nợ về công trình lịch sử với CMT8

CMT8 nổi bật hai bài học vĩ đại. Bộc lộ sức mạnh bùng dậy của toàn dân, của cả Hà Nội. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam có sự quật khởi của cả dân tộc như vậy. Giá trị vô song của CMT8 là tinh thần yêu nước, là giá trị độc lập.

CMT8 thể hiện tập trung nhất tư duy độc lập và thiên tài lãnh đạo sáng tạo của Bác Hồ.

Chúng tôi có thiếu sót chưa có công trình nghiên cứu CMT8 xứng tầm với nó, đây là món nợ của những người làm lịch sử. Tôi xin hứa sẽ hoàn thành Bộ lịch sử VN 25 tập trong đó có một tập dành cho CMT8 dự kiến 700 trang. Dự kiến hoàn thành trong 3 năm.

Thu Hằng - Hồng Nhì - Ảnh: Hoàng Long