Hãng tin Pháp đưa tin Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington (Mỹ) cho hay, Trung Quốc có khả năng đang chuẩn bị xây dựng trái phép đường băng thứ hai dài 3.000m tại một đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Theo CSIS, Trung Quốc đang xây dựng trái phép một đường băng dài 3.000 mét trên đá Chữ Thập (Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đường băng dài nhất trong khu vực quần đảo Trường Sa này có khả năng sẽ được sử dụng cho các hoạt động tác chiến.

{keywords}
Hình ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép đường băng thứ nhất trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam), hồi tháng 2. Ảnh: IHS Jane’s Defense Weekly

Trang web chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS cho hay công trình đường băng trên đá Chữ Thập, được khởi công từ năm ngoái, hiện đang trong "tiến độ xây dựng."

Trang web trên cho hay các hình ảnh vệ tinh chụp bãi đá ngầm Subi được Trung Quốc cải tạo thành hòn đảo nhân tạo có diện tích gần 4 triệu m2 cho thấy Bắc Kinh có khả năng đang chuẩn bị xây dựng tại đó một đường băng nữa có chiều dài tương đương.

Trong khi đó, cũng nguồn tin từ CSIS cho hay phía Đài Loan hiện đang nâng cấp trái phép đường băng dài 1.195 mét của họ trên đảo Itu Aba (đảo Ba Bình) cũng thuộc quần đảo Trường Sa.

Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối một loạt hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Các tuyên bố của ​người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam​ đều khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những hành động trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông vi phạm chủ quyền của Việt Nam cũng như vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 ký giữa ASEAN và Trung Quốc.

Trên cơ sở đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động xây dựng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Theo Vietnam+