- Lần đầu tiên, người dân chấm điểm chính quyền thông qua các dịch vụ công bằng điện thoại di động. Sáng kiến thí điểm tại Quảng Trị vừa kết thúc sau 9 tháng tiến hành cho những kết quả thú vị.

Sáng nay, tại TP Đông Hà, HĐND tỉnh Quảng Trị cùng tổ chức Oxfam, Trung tâm phân tích và dự báo thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội VN, chương trình Sáng kiến VN thuộc đại học Indiana (Mỹ) đã tổ chức hội thảo công bố kết quả lần thứ nhất thực hiện dự án Dân chấm điểm M-Score.

{keywords}

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Phúc. Ảnh: Quang Thành

Dân chấm điểm M-Score là tên gọi tắt của chương trình, được thực hiện như một công cụ khảo sát đánh giá của người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng các dịch vụ công. Trong 9 tháng (10/2014 - 6/2015), tổng đài "Dân chấm điểm" đã có 6.225 người dân trải nghiệm, với 1.500 ý kiến đóng góp.

Với M-Score, các chỉ số đánh giá dịch vụ công gồm: “sự hài lòng”, “số ngày đi làm thủ tục”, “số lần đi làm thủ tục” và “sự hướng dẫn rõ ràng”. Ngoài chấm điểm, người dân còn có thể đưa ra những khuyến nghị để lãnh đạo tỉnh và các huyện tham khảo và đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Một đường dây nóng được thiết lập tại số 1800 - 8081 khuyến khích người dân chủ động gọi điện chia sẻ, phản hồi và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công.

{keywords}
Người dân tại bộ phận một cửa ở Quảng Trị. Ảnh: Oxfam
Kết quả thực hiện cho thấy những tác động tích cực: thời gian giải quyết dịch vụ vụ được rút ngắn, giảm bớt số lần đi lại của người dân (từ 6,9 lần trong quý 4/2014 xuống 1,4 lần trong 5 tháng đầu năm nay), tỷ lệ hồ sơ trả đúng và sớm hẹn tăng lên.

Tinh thần thái độ làm việc của cán bộ công chức đã cải thiện hơn trước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa hài lòng về thái độ của cán bộ và thời gian xử lý hồ sơ còn dài, tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục và bị hẹn lại nhiều lần.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Phúc cho biết: “Đối với Quảng Trị, sáng kiến Dân chấm điểm M-Score thể hiện sự thống nhất và quyết tâm chính trị cao về chủ trương của lãnh đạo tỉnh nhà trong việc tìm kiếm nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); phát huy dân chủ trực tiếp của các tầng lớp nhân dân trong việc đánh giá, chấm điểm đối với cán bộ công chức và cơ quan công quyền thông qua cơ chế một cửa cấp huyện…”.

Là tỉnh đầu tiên áp dụng, Quảng Trị đang kỳ vọng có thể chia sẻ, mở rộng Sáng kiến ra các lĩnh vực y tế, giáo dục và giám sát hoạt động cơ chế một cửa ở xã, phường, thị trấn.

Quảng Bình sẽ là tỉnh thứ hai áp dụng sáng kiến này.

Quang Thành