- Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa, xét về bản chất, nếu người phạm tội không nộp tiền thì sẽ chuyển thành phạt tù, nghe có vẻ nặng hơn nhưng thực chất lại nhẹ hơn.

Tại dự thảo bộ luật Hình sự sửa đổi có quy định chuyển hình thức từ phạt tiền sang phạt tù để tránh tình trạng chây ì, cố tình không trả tiền khi thi hành bản án hình sự. Từ đây có quan điểm cho rằng việc này có thể làm thay đổi bản chất tội phạm.

Trả lời việc này tại cuộc họp báo công tác tư pháp quý 2 sáng nay của Bộ Tư pháp, Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, hiện nay hơn 80% các vụ án hình sự chủ yếu là áp dụng hình phạt tù, nhưng tù xong thì người đi tù về mất rất nhiều thứ.

{keywords}

Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Thị Kim Thoa

Theo bà Thoa, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm các nước như Đức, Nhật, Pháp..., đó là phạt bằng hình thức phạt tiền, nhưng nếu trong thời gian quy định không thi hành nộp tiền thì chuyển thành hình thức phạt tù.

“Chúng ta đã có nghị quyết về việc giảm hình phạt tù, tăng hình phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, rõ ràng nếu việc này có tính khả thi thì các cơ quan như  tòa án, công an, các cơ quan có thẩm quyền mới vững tay, chắc tay để làm”,  bà Thoa phân tích.

Bà Thoa cho rằng, xét về bản chất, nếu người phạm tội không nộp tiền thì sẽ chuyển thành phạt tù, nghe có vẻ nặng hơn nhưng thực chất lại nhẹ hơn. Bởi với một người không làm gì, không có tiền mà cứ bắt họ nộp thì khi ấy họ sẽ phải gánh hai tội cùng một lúc, tội không nộp tiền và tội không thi hành án.

Xử lý trách nhiệm từng cá nhân để nợ đọng văn bản

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc quy định cụ thể trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức chậm ban hành các văn bản hướng dẫn luật như thế nào và làm sao để khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành như vừa qua, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cũng thừa nhận, việc chậm ban hành, nợ đọng văn bản hướng dẫn luật là việc bức xúc trong xã hội.

{keywords}

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến

Theo ông, hiện nay việc nợ đọng văn bản đã giảm rất nhiều so với trước. Tuy nhiên trong quá trình triển khai các luật mới hay một số luật có hiệu lực thì số lượng văn bản hướng dẫn thi hành luật nợ đọng lại càng ngày càng nhiều.

"Đến thời điểm này, nợ đọng đã lên tới 109 văn bản, đây là một sự báo động, Chính phủ hiện đang chỉ đạo sát sao, đôn đốc", ông Tuyến nói.

Về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, ông Tuyến cho hay, sẽ  không xem xét khen thưởng cho tổ chức, cá nhân gây chậm trễ.

Về mặt hành chính có nhắc nhở các bộ để xảy ra tình trạng này, đồng thời quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân người đứng đầu, xác định tiêu chí, mức độ hoàn thành hay không để xử lý hành chính.

Với luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư sửa đổi đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành là do có nhiều điều khoản rất khó, cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành cùng hướng dẫn nên việc chậm trễ là không thể tránh khỏi.

Hồng Nhì