Vịnh Subic, nơi từng là căn cứ hải quân của Mỹ, cho phép không quân, hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với các động thái của TQ ở khu vực tranh chấp Biển Đông. 

{keywords}
Tàu chiến Mỹ tại vịnh Subic năm 2014. Ảnh: Reuters

Philippines đã quyết định mở lại căn cứ quân sự ở vịnh Subic và sẽ đưa các máy bay chiến đấu mới, tàu khu trục ra nơi này để phản ứng nhanh hơn với các hành động gây hấn của TQ ở Biển Đông.

Từng là một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ trên thế giới, vịnh Subic bị đóng cửa năm 1992 sau khi Thượng viện Philippines hoàn tất một thỏa thuận với Washington vào thời điểm kết thúc chiến tranh Lạnh.

Manila đã biến căn cứ này thành một khu kinh tế.

Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, quân đội nước này hồi tháng 5 đã ký thỏa thuận thuê 15 năm với ban quản lý vịnh Subic để sử dụng một phần khu vực cho mục đích quân sự. Đây là lần đầu tiên sau 23 năm, vịnh Subic mang chức năng căn cứ quân sự.

Các tàu chiến Mỹ thường xuyên qua lại vịnh Subic kể từ năm 2000 nhưng chỉ neo đậu khi tập trận với quân đội Philippines hoặc sử dụng các cơ sở tại đây trong công việc hậu cần, sửa chữa hay bảo trì.

Theo các chuyên gia an ninh, sử dụng vịnh Subic sẽ cho phép không quân, hải quân Philippines phản ứng hiệu quả hơn với các động thái của TQ ở khu vực tranh chấp Biển Đông. Cảng nước sâu của vịnh nằm ở mạn phía tây đảo chính Luzon, cửa ngõ Biển Đông.

Vịnh chiến lược

Các chuyên gia an ninh nhấn mạnh vị trí chiến lược của vịnh Subic cách bãi cạn Scarborough 270km, bãi cạn bị TQ chiếm từ Philippines năm 2012 và là nơi TQ đang làm các đảo nhân tạo trái phép nằm về phía tây nam.

{keywords}
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50. Ảnh: wordpress

Patrick Cronin, chuyên gia an ninh khu vực tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, cho hay, TQ có thể chỉ mất 1 ngày để biến Scarborough thành một đảo nhân tạo và khiến Philippines khó khăn hơn trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế ở Luzon.

Một số tướng lĩnh Philippines cho hay, hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do Hàn Quốc sản xuất sẽ được triển khai tại trạm hải quân Cubi ở vịnh Subic vào đầu năm 2016. Một biên đội FA-50 đầy đủ và phi đội máy bay tiêm kích số 5 sẽ được điều từ căn cứ ở phía bắc đảo Luzon tới vịnh Subic. Hai tàu khu trục được triển khai ở cảng Alava của vịnh này.

“Các máy bay tiêm kích hạng nhẹ mà Hàn Quốc sản xuất có thể ra bãi cạn Scarborough trong vài phút, tàu tuần tra hàng hải và máy bay không người lái có thể thường xuyên giám sát những hoạt động của TQ trong khu vực. Trở lại vịnh Subic dường như là một phản ứng kiên quyết của Philippines - Patrick Cronin bình luận thêm.

Rommel Banlaoi, chuyên gia an ninh Philippines nhấn mạnh giá trị của Subic trong vai trò căn cứ quân sự đã được người Mỹ minh chứng. Khi vịnh Subic hoạt động đúng với vai trò căn cứ quân sư thì hải quân Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với cảng nước sâu theo thỏa thuận 1 năm đã ký giữa hai nước.

"Các nhà hoạch định quốc phòng TQ cũng biết rõ điều này" - ông nhấn mạnh. 

Bên cạnh tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, Nhật và các quốc gia Đông Nam Á khác, quân đội Philippines dự kiến sẽ chi 20 tỉ USD trong vòng 13 năm tới để hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Thái An (theo Guardian, Reuters)