Khi bình luận về tranh chấp Biển Đông, Ấn Độ giờ đây bày tỏ mối quan tâm cũng như sự quan ngại thay vì thận trọng chỉ bóng gió vấn đề.

Những diễn biến ở Biển Đông đang ngày càng có ý nghĩa với nhiều lợi ích chiến lược của Ấn Độ cũng như vai trò của họ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. 

New Delhi vốn có truyền thống duy trì khoảng cách an toàn, tránh bình luận trực tiếp về những vấn đề như tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Thay vào đó, họ nhấn mạnh sự cần thiết của tự do hàng hải. Nhưng giờ đây dường như họ đang tăng tốc.

Chính sách hành động phía Đông

Dưới thời Thủ tướng Modi, New Delhi chuyển từ "chính sách hướng Đông" sang "chính sách hành động phía Đông".

Ấn Độ trực tiếp đưa ra những bình luận cần giải quyết tranh chấp Biển Đông; ký Tầm nhìn chiến lược chung với Mỹ về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; tăng cường đàm phán với các nước chủ chốt trong khu vực để thúc đẩy hợp tác an ninh, nhất là trong lĩnh vực hàng hải.

{keywords}
Mỹ, Ấn đã ra tuyên bố chung về Tầm nhìn chiến lược với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: wsj

Chính phủ của ông Modi thừa nhận Biển Đông là một nhân tố quan trọng trong mối quan hệ với phương Đông của Ấn Độ, cả về lý do thương mại lẫn chiến lược. 

Để củng cố quan hệ với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ coi mình là một người chơi đáng tin cậy. Khi đưa ra những bình luận về tranh chấp Biển Đông, họ giờ đây đã có bước đi trực tiếp hơn - bày tỏ mối quan tâm cũng như sự quan ngại - thay vì thận trọng chỉ bóng gió vấn đề.

New Delhi đã phát biểu rõ ràng về tranh chấp dẫn tới sự bất ổn an ninh khu vực thông qua Tuyên bố chung với Mỹ, thông qua hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN năm 2014.

Lập trường mới của Ấn Độ về an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương có lẽ phản ánh thực tế rằng, nước này sẵn sàng xếp sang bên chính sách không liên kết cứng nhắc nếu cần thiết. 

Với việc TQ trỗi dậy và tiến dần vào Ấn Độ Dương, New Delhi giờ đây có thể nhận ra sự cần thiết phải phối hợp với những người chơi chủ chốt khác trong cấu trúc an ninh đang phát triển của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, hiểu rõ thách thức và lợi ích có được trong mối quan hệ với TQ, Ấn Độ vẫn còn cách tiếp cận khá thận trọng với người láng giềng khổng lồ.

Tham gia cuộc chơi kiểu nào?

Minh chứng là sau những tuyên bố về Biển Đông, Ấn Độ lại mềm giọng. Họ kiềm chế không bình luận gì về vụ việc máy bay giám sát Mỹ tiếp cận gần các đảo nhân tạo mà TQ dựng nên ở Biển Đông trong khi cộng đồng quốc tế cùng với Washington đã lên án hành động của TQ.

{keywords}
Ảnh: nationalinterest

Ấn Độ gặp nhiều thách thức về vấn đề biên giới với TQ và đang quan sát một cách đáng lo ngại khi TQ ngày một tiến sâu hơn vào Ấn Độ Dương. 

Bắc Kinh gần đây đã cảnh báo New Delhi về việc hợp tác trong những dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong khi ra sức biện hộ chuyện lập hành lang kinh tế riêng với Pakistan.

Một trong những diễn biến có thể ảnh hưởng tới cấu trúc an ninh hàng hải tương lai tại Ấn Độ Dương là chuyện tàu ngầm TQ cập cảng ở Pakistan sau khi tới Sri Lanka năm ngoái. TQ cũng cảnh báo Ấn Độ về việc họ coi Ấn Độ Dương là sân sau của mình.

Sự hiện diện của TQ ở Ấn Độ Dương là thực tế. Với Ấn Độ, thách thức là làm sao đảm bảo được các lợi ích chiến lược trong khu vực. 

Ấn Độ Dương luôn là khu vực quan tâm hàng đầu với New Delhi và sự hiện diện ngày càng lớn của TQ đang đảo lộn trật tự an ninh tồn tại bấy lâu tại đây.

Hai nước vẫn còn nhiều rắc rối về biên giới đất liền nhưng các lợi ích chiến lược của họ giờ đây hội tụ ở lĩnh vực hàng hải. Sẽ có sự bất đồng và phân chia lớn về an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương nếu quan hệ giữa hai cường quốc đang trỗi dậy ở châu Á không thể quản lý.

Thông điệp từ Bắc Kinh là to tát và rõ ràng. Họ muốn là một cường quốc, vì thế sẽ tiến ra biển để thiết lập sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa. 

Ấn Độ tương đối trầm lắng hơn và có thể đã tính toán sai lầm khi không cử Bộ trưởng Quốc phòng tham dự Đối thoại Shangri-La 2015 - diễn đàn quan trọng để Ấn Độ thể hiện lập trường.

Sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và sự tương tác giữa ông với những người đồng cấp khác trong khu vực sẽ là lời khẳng định rằng, Ấn Độ sẵn sàng đảm nhận các trọng trách và tham gia cuộc chơi.

Ấn Độ giờ đây đang tiến về phía trước bằng việc tập trung vào xây dựng và củng cố các mối quan hệ song phương với những người chơi chính trong khu vực như ASEAN.

New Delhi đã hiểu rằng cần đàm phán đa phương để cân bằng cấu trúc an ninh mới nổi và đang tập trung xây dựng những mô hình kiểu này ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Có quan sát cho rằng Thủ tướng Modi muốn khôi phục Quad  - một ý tưởng hợp tác an ninh giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. 

Sau 8 năm, Nhật sẽ tham dự cuộc tập trận Malabar. Ấn Độ và Australia sẽ khởi động tập trận hải quân lần đầu tiên vào tháng 10 và New Delhi dường như rất quan tâm đến việc thiết lập mối quan hệ hải quân mạnh hơn với Indonesia. 

Ấn Độ cũng đã tổ chức cuộc họp ngoại trưởng ba bên lần đầu tiên với Nhật và Australia tháng 6 năm nay.

Chia sẻ trách nhiệm là chọn lựa tốt nhất hiện nay ở khu vực, và Ấn Độ muốn đóng vai trò an ninh chủ động hơn trong môi trường này. 

Nhưng được vậy, New Delhi cần thường xuyên và công khai hành động hơn.

Thái An (Theo nationalinterest)