- Đã có một chương khó khăn trong lịch sử, nhưng chúng ta có thể gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai - Tổng bí thư phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Obama tại phòng Bầu Dục, Nhà Trắng ngày 7/8 theo giờ Washington.

Tổng thống Obama hội đàm với Tổng bí thư

XEM CLIP:

Mở đầu họp báo, Tổng thống Obama vui vẻ thông báo ông đã có một lời mời đến VN.

"Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đáng kể của quá trình phát triển mối quan hệ giữa hai nước chúng ta 20 năm qua". Ông hoan nghênh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới phòng Bầu Dục trong chuyến thăm Hoa Kỳ đầu tiên của ông nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

{keywords}

Tổng thống Obama cho hay đã có một lịch sử khó khăn giữa hai nước trong thế kỷ 20. Và vẫn tiếp tục có sự khác biệt trong triết lý chính trị và hệ thống chính trị nhưng với những nỗ lực của lãnh đạo hai nước trong nhiều năm liên tiếp, những gì hai bên chứng kiến là sự xuất hiện của một mối quan hệ xây dựng dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, và có lợi cho nhân dân hai nước.

Tổng thống Hoa Kỳ dẫn chứng, chỉ riêng trong 2 năm qua, hai nước đã đạt được tiến bộ đáng kể về tăng cường hợp tác ở các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, biến đổi khí hậu, y tế cộng đồng cũng như an ninh. Đây là cơ hội tuyệt vời để làm sâu sắc các cuộc thảo luận xung quanh tầm nhìn chung về một quan hệ đối tác toàn diện.

Ông cho biết đã cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thảo luận về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), về tiềm năng to lớn của một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao để nâng cao tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường và có thể tạo ra tăng trưởng việc làm ý nghĩa cũng như thịnh vượng cho người dân 2 nước.

{keywords}

"Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông cũng như ở khắp khu vực châu Á-TBD phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo thịnh vượng và tự do hàng hải cho sự tăng trưởng kinh tế to lớn ở khu vực tiếp tục trong những thập niên tới" - Tổng thống Hoa Kỳ cho biết.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về việc đẩy mạnh quan hệ giữa nhân dân hai nước.

"Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, chúng tôi có số lượng người Mỹ gốc Việt và kiều bào ở đây nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, và họ đã có những đóng góp to lớn cho nước chúng tôi. Chúng tôi muốn tiếp tục thúc đẩy giao lưu, trao đổi giữa người dân 2 nước, bao gồm cả việc sớm mở Đại học Fulbright vừa được phê duyệt" - ông nói.

Hợp tác trong những vấn đề toàn cầu, nhất là biến đổi khí hậu; các vấn đề an ninh y tế toàn cầu và đối phó với nguy cơ dịch bệnh; vấn đề gìn giữ hòa bình toàn cầu là những khía cạnh khác được hai bên đề cập tại hội đàm. Như lời Tổng thống Obama cho hay, trong tất cả lĩnh vực này, "VN đã chứng tỏ là một đối tác rất xây dựng".

{keywords}

"Ở đây vẫn có những khác biệt trong quan hệ song phương, và chúng tôi đã trao đổi thẳng thẳn một số khác biệt xung quanh vấn đề nhân quyền, ví dụ tự do tôn giáo. Nhưng tôi tin tưởng rằng, đối thoại ngoại giao và những bước đi thực tế song hành với nhau sẽ có lợi cho cả 2 nước và những căng thẳng có thể được giải quyết hiệu quả không chỉ thông qua quan hệ song phương, mà còn qua sự hợp tác của chúng ta ở những tổ chức đa phương như ASEAN hay Thượng đỉnh Đông Á, chúng ta có thể tiếp tục có những bước tiến đáng kể" - ông phát biểu.

Tổng thống Hoa Kỳ cảm ơn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì chuyến thăm.

"Tôi hy vọng ông sẽ cảm nhận được sự nồng ấm và hiếu khách mà người Mỹ cảm nhận đối với mọi người dân VN. Và chắc chắn là tôi mong được đến thăm đất nước xinh đẹp của các bạn trong thời gian tới" - ông nói.

Vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng

Trong phát biểu của mình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung tại phòng Bầu Dục của Nhà Trắng diễn ra cuộc gặp thú vị giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN và Tổng thống Hoa Kỳ. Tại đây, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc trao đổi thân mật, xây dựng, thẳng thắn, chân tình.

Từ hai nước “cựu thù”, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, rồi đối tác toàn diện và trong tương lai, mối quan hệ đó sẽ còn phát triển tốt hơn nữa, nhờ tầm nhìn chiến lược, sự nỗ lực của lãnh đạo 2 nước và sự ủng hộ của nhân dân, vì quan hệ 2 nước phù hợp với lợi ích của nhân dân và xu hướng phát triển hiện nay là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển thịnh vượng.

Trong lịch sử quan hệ 2 nước có chương buồn, nhưng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, hai nước đã xây dựng được quan hệ đối tác toàn diện như hôm nay.

{keywords}

Tổng bí thư cho hay, những thành tựu của mối quan hệ là nhờ vào tầm nhìn chiến lược và nỗ lực của các nhà lãnh đạo 2 nước, nhờ vào sự ủng hộ - ủng hộ hoàn toàn của người dân 2 nước. Việc thúc đẩy mối quan hệ này là phù hợp với lợi ích của nhân dân 2 nước, cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

"Như ngài Tổng thống vừa nêu, đã có một chương khó khăn trong lịch sử của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai để xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện mà chúng ta có ngày nay. Và như tôi đề cập với Tổng thống trong cuộc gặp giữa chúng tôi rằng, quá khứ không thể thay đổi, nhưng tương lai phụ thuộc vào hành động của chúng ta, và trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo một tương lai tươi sáng" - Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hai nhà lãnh đạo đánh giá sự phát triển mối quan hệ của 2 nước trong 20 năm qua, thảo luận, nhất trí về các định hướng lớn nhằm phát triển quan hệ song phương, làm sâu sắc và phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy mối quan hệ của tiến về phía trước, thực chất hơn, tích cực hơn, để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ toàn diện trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, hợp tác ngoại giao đến kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đối phó biến đổi khí hậu, hợp tác an ninh và quốc phòng cũng như hợp tác tốt hơn tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Thái An - Huy Phúc - Ảnh: Reuters