- Trưởng Ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam chất vấn: Hà Nội đầu tư bao nhiêu tiền cho nông nghiệp sạch mà sao dân vẫn phải ăn rau ngậm thuốc, lợn bơm nước?

Trưởng Ban Pháp chế HĐND Hà Nội Nguyễn Hoài Nam chất vấn UBND thành phố hôm nay: "Hà Nội đầu tư bao nhiêu tiền cho nông nghiệp sạch mà sao dân Hà Nội vẫn phải ăn rau ngậm thuốc, lợn bơm nước? Các siêu thị cho biết vẫn phải lấy rau, thịt từ những vùng không phải của Hà Nội. Vậy những chương trình nông thôn mới, những vùng ta quy hoạch, đầu tư, hiệu quả ra sao?"

{keywords}
Trưởng Ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam

Thay mặt thành phố, Phó Chủ tịch UBND Trần Xuân Việt thừa nhận: Một số nơi đúng là vì lợi nhuận, không phải họ không biết nhưng do cơ chế thị trường tác động, vẫn có những hiện tượng sản xuất không đúng quy trình, trồng rau thì dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần, quá liều lượng, hay cũng như ở TP.HCM, ở Hà Nội cũng có bơm nước trâu bò...

"Thành phố đã chỉ đạo các ngành, kể cả công an, kiểm tra. Nếu đặt vấn đề là tất cả đều không an toàn, đều lo sợ như vậy thì rất khó để có cuộc sống và sức khỏe. Đây là những hiện tượng cá biệt, nhưng là vấn đề rất nóng bỏng, được xã hội rất quan tâm và thành phố chỉ đạo rất nhiều lần", ông Trần Xuân Việt nói.

Khẳng định "có trách nhiệm rất cao đối với vấn đề thực phẩm an toàn cho người dân", Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết những chỗ có hiện tượng sản xuất chưa tốt, chưa đúng, thành phố sẽ tiếp tục có chỉ đạo xem xét.

Lo nông dân bỏ ruộng

Câu hỏi về tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hóa, gây lãng phí đất đai được HĐND Hà Nội gửi tới UBND thành phố, đề nghị cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Trong văn bản trả lời trước phiên chất vấn hôm nay, thành phố cho biết tổng diện tích đất lúa toàn thành phố là gần 100 ha, một số nơi đã không cấy vụ Xuân 2015.

UBND Hà Nội cho rằng nguyên nhân chủ yếu là vướng mắc trong công tác dồn điền đổi thửa: Ban chỉ đạo huyện, xã thiếu sâu sát, không đảm bảo quy chế dân chủ ở cơ sở, thiếu công khai, thực hiện không đúng quy trình, trình tự thủ tục quy định, có biểu hiện tư lợi cá nhân, nhân dân chưa đồng thuận với phương án dồn điền đổi thửa của thôn, xã và yêu cầu giải quyết một số vi phạm về đất đai ở địa phương.

Diện tích nhỏ do xen kẹt trong các khu đô thị đang xây dựng nằm trong quy hoạch xây dựng đã giải phóng mặt bằng, không đủ điều kiện về nước tưới cũng là nguyên nhân khiến nhân dân không sản xuất.

{keywords}
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Xuân Việt

Thành phố cho biết đã chỉ đạo tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc trên. Giải pháp trong thời gian tới là rà soát việc dồn điền đổi thửa, đề nghị xử lý các vi phạm về đất đai và giải quyết các kiến nghị của nhân dân, tổ chức cho nhân dân sản xuất vụ mùa không để ruộng hoang.

Phương án cuối cùng là giao cho xã hoặc hợp tác xã nông nghiệp cấy trên các diện tích bỏ hoang.

Nhưng ông Phạm Xuân Tài, Phó ban chuyên trách Ban Văn hóa - Xã hội HĐND Hà Nội, ĐB Thường Tín, cho rằng nguyên nhân như vậy chưa đầy đủ.

"Cử tri phản ánh: Một là đất trồng lúa không mang lại lợi ích kinh tế bằng các ngành khác. Hai là người dân muốn chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trang trại nhưng còn bất cập về thủ tục, thẩm quyền quyết định", ông Tài nói.

Phó Chủ tịch UBND Trần Xuân Việt, người được Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc giới thiệu là giàu kinh nghiệm về nông nghiệp, thay mặt thành phố trực tiếp trả lời chất vấn này.

Ông Việt đồng tình với những nguyên nhân ĐB Phạm Xuân Tài nêu: Một số nơi thực tế là làng nghề nhưng quy hoạch ở đó lại là sản xuất lúa nên nhìn chung không hiệu quả.

"Một số điểm như Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai, sát với Hà Đông, một phần của Đan Phượng, Tây Mỗ, Hạ Mỗ bao giờ cũng cấy sau vì người dân ở đây không cấy, cứ chờ các nơi cấy xong hết mới thuê người về cấy. Mục tiêu cấy chỉ là để giữ ruộng, thậm chí cho người khác cấy không, chứ không tha thiết", ông Trần Xuân Việt nói.

Nhận định đây là hiện trạng có thật, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng không chỉ ven đô Hà Nội, mà cả ở Hải Dương, Thái Bình cũng có tình trạng như vậy, vì trên thực tế chi phí lúa bây giờ rất cao.

Với chuyện người nông dân muốn làm trang trại, ông Việt cho biết thành phố có quy hoạch phát triển nông nghiệp, xác định các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tất cả các trang trại phải theo quy hoạch. Thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng là của cấp huyện.

Chung Hoàng