- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã ủng hộ đề nghị của VN về cam kết vốn ODA đợt I tài khoá 2015 trị giá 300 tỷ yên (tương đương 3 tỷ USD).

Phát triển hạ tầng chất lượng cao

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội đàm song phương Việt Nam – Nhật Bản tối nay (4/7), Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định: “Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng. Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam về hạ tầng cả chất lượng và số lượng hướng đến phát triển hạ tầng chất lượng cao”.

{keywords}

Phần lớn nguồn viện trợ này sẽ tập trung cho các dự án quy mô lớn mà lãnh đạo cấp cao hai bên đã thoả thuận, trong đó có Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

Đặc biệt, hai bên cũng thống nhất nghiên cứu đầu tư trước một đoạn cần thiết trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cho hay phía Nhật Bản đã đề xuất dự án xây dựng đường sắt cao tốc tuyến Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM trị giá 21,4 tỷ USD, thay cho tuyến đường nối Hà Nội – TP.HCM trị giá 56 tỷ USD đã bị Quốc hội Việt Nam bác bỏ trước đây.

Thủ tướng Nhật Bản cam kết dành nguồn vốn ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững. Ông Abe cho hay nước này sẽ cung cấp vốn vay ưu đãi cho dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 2 và dự án Đại học Việt – Nhật.

Tokyo cũng sẽ xem xét khả năng hợp tác với Việt Nam trong quá trình triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng châu Á. Sáng kiến này được ông Abe công bố hồi tháng Năm, trong bối cảnh TQ rót 100 tỷ USD sáng lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong vòng năm năm tới, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 16-17 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, trong khi nguồn ngân sách chỉ đáp ứng 50-60%.

Với cam kết mới này, Nhật Bản tiếp tục giữ vững vị trí nhà tài trợ vốn ODA số một của Việt Nam. Theo Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA), từ năm 1992-2011, nước này đã viện trợ 19,7 tỷ USD, chiếm tới 30% tổng số ODA mà các nhà tài trợ quốc tế đã dành cho Việt Nam.

Quan ngại sâu sắc về Biển Đông

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông.

“Hai bên chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà Lãnh đạo Mekong - Nhật Bản, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động lấn biển, xây đảo quy mô lớn.

{keywords}

Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải và hàng không, yêu cầu các bên liên quan không có những hành động gây phức tạp và mở rộng tranh chấp trên Biển Đông, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy việc sớm xây dựng COC”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
 

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản phê phán những hoạt động trên (của TQ) là hành vi “đơn phương thay đổi hiện trạng quy mô lớn và xây dựng căn cứ quân sự trong khu vực”.

Ông Abe cho hay Nhật sẽ hợp tác chặt chẽ cùng Việt Nam nhằm duy trì trật tự hàng hải và hàng không, vì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Trước đó, Quốc hội Nhật Bản đã xem xét cung cấp các tàu tuần tra mới giúp lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam nâng cao năng lực.

Việt Lâm (từ Tokyo, Nhật Bản)