TQ đã thông qua dự thảo đầu tiên luật An ninh quốc gia mới có đề cập tới Biển Đông. Theo giới phân tích, luật có thể sẽ đặt nền móng cho một TQ gây hấn hơn.

{keywords}

TQ phát hành năm 2014 bản đồ khổ dọc trắng trợn "nuốt chửng" gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông của VN. Ảnh: Xinhua

Luật này đưa ra các vấn đề không gian mạng, khu vực các cực, không gian, biển sâu và có lẽ gấp nhất là Biển Đông. Luật coi đây là những khu vực TQ có quyền tự vệ.

Dự thảo luật mới được UB Thường vụ Quốc hội TQ bỏ phiếu hôm qua trong phiên họp ở Bắc Kinh. Nó cung cấp khuôn khổ để các cơ quan chức năng TQ thiết lập một hệ thống quản lý khủng hoảng "tương tác hiệu quả" trong tất cả các lĩnh vực an ninh.

Zheng Shu’na, một đại biểu đến từ UB Lập pháp thuộc Thường vụ Quốc hội TQ nói với báo giới rằng, luật mới tạo "điều kiện để đảm bảo chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia, hạnh phúc của người dân, phát triển bền vững kinh tế và xã hội".

TQ hiện đang không ngừng khuếch trương hiện diện quân sự ở Biển Đông. Những quốc gia khác có chủ quyền trong vùng biển này gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines đều đang bị lấn át bởi sức mạnh quân sự TQ.

Trong khi Mỹ và Nhật đang đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho khu vực trước sự gây hấn của Bắc Kinh thì TQ vẫn xúc tiến xây dựng nhiều tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ cải tạo trái phép ở một số bãi ngầm Biển Đông.

Theo giới phân tích, luật An ninh quốc gia mới có thể sẽ đặt nền móng cho một TQ gây hấn hơn. "TQ sẽ trích dẫn luật, cùng với các luật nội địa khác để biện minh cho những hành động của họ ở Biển Đông", Bonnie Glaser, một cố vấn cấp cao về vấn đề châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, D.C (CSIS) nói.

TQ đã in lại bản đồ chính thức của mình bao gồm khu vực rộng lớn hơn hẳn TQ đại lục. Cái gọi là "các bản đồ dọc" tập trung vào những vùng biển tranh chấp hơn hẳn các bản đồ chính thức trước đó.

Philippines đã phản ứng bằng cách đưa ra hàng loạt bản đồ cổ TQ thậm chí từ năm 1136 để vạch trần yêu sách trái phép và thái quá của TQ với bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa.

Cố vấn Glaser chỉ ra rằng, luật An ninh quốc gia mà TQ mới đưa ra giúp họ linh hoạt hơn trong việc "tự vệ" trước những gì mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa. “TQ không chỉ nói họ có chủ quyền, mà còn tuyên bố các lợi ích an ninh quốc gia bị đe dọa và giờ đây, họ có một cơ sở pháp lý để tiến hành các hoạt động cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia", ông cho biết.

Ngoài vấn đề hàng hải, những quy định liên quan đến “chủ quyền không gian ảo” cũng gây nhiều tranh cãi. Trong luật này, TQ đặt mục tiêu làm cho mọi hạ tầng mạng và hệ thống thông tin chủ chốt “an toàn và có thể kiểm soát được”.

Tuy nhiên, theo Reuters, các tổ chức, doanh nghiệp và nhà ngoại giao nước ngoài chỉ trích quy định này sẽ mở đường cho cơ quan chức năng kiểm tra công ty công nghệ nước ngoài làm sản phẩm ở TQ, từ đó buộc họ tiết lộ công nghệ của mình.

Thái An (theo Ibtimes, Reuters)