Chính “Tâm sáng, Mắt trong, Bút sắc” – theo quan niệm của nhà báo lão thành Hữu Thọ - đã cho các ký giả chúng ta có phép màu nhiệm, biến những khoảnh khắc mong manh thành vẻ đẹp vĩnh cửu. Vẻ đẹp của muôn đời...

Cách đây chừng trên mười năm, khi bàn về một nhà văn lớn rất nổi tiếng, tôi chợt nhận ra rằng, hầu như cuốn sách nào của ông ra cũng gây được tiếng vang, vì luôn đề cập những vấn đề nóng hổi của đời sống đương đại.

Khảo sát thêm trong lần đi thực tế với ông, tôi thấy ông khai thác tư liệu như một nhà báo. Nhân vật và cốt truyện đều người thật, việc thật. Tên tác phẩm của ông cũng na ná như tên các bài Phóng sự, hay Xã luận báo Nhân Dân: "Tháng Ba ở Tây Nguyên", "Họ sống và chiến đấu", "Gặp gỡ cuối năm"," Chủ tịch huyện", "Mùa lạc"…Và "Tầm nhìn xa", "Hãy đi xa hơn nữa"…Tôi gọi ông là “nhà văn thông tấn”. Đó là cách khu biệt ông với các nhà văn khác. Ông có vẻ giận. Nói thế, khác gì biến nhà văn thành nhà báo. Mà nhận định như vậy cũng là hạ thấp giá trị văn chương của ông. 

{keywords}
Báo chí tác nghiệp. Ảnh: Minh Thăng

Thực chất đâu phải vậy. Trong kho tàng văn chương nhân loại từng có những ông khổng lồ mà giới lý luận cũng gọi họ là “nhà văn thông tấn” đó thôi, ví như: Ernest Hemingway và Gabriel Garcia Marquez. Hai ông vĩ đại này đều được trao Giải thưởng Nobel. Tôi không nghĩ nhà báo thua Nhà văn, hay Văn chương vĩnh cửu hơn Báo chí. Sức sống của tác phẩm không nằm trong thể loại, mà hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của người sáng tạo ra nó. Một bài báo hay có giá trị hơn một truyện ngắn, hay một cuốn tiểu thuyết mà lại viết xoàng.

Khi bàn chuyện báo chí, ta thường nghĩ đến các sự kiện, hay những vấn đề thời sự có khi chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc. Sự kiện qua đi, không ai tìm đến những bài viết đề cập đến những chuyện đã cũ ấy nữa. Nhưng đó thường là bài báo xoàng của một nhà báo xoàng. Còn đối với tài năng báo chí, nhất là với những tài năng lớn, thì họ có thể biến khoảnh khắc mong manh ấy thành vĩnh cửu. Và rồi với sức sống mãnh liệt của những con chữ linh diệu có sức ám ảnh người đọc, bài báo có thể làm sống dậy cả một giai đoạn lịch sử hay một thời đại mà nó đã đi qua.

Thời đại chúng ta đang sống hôm nay là thời đại của báo chí. Người dân có quyền được thông tin, quyền nắm bắt sự thật. Không phải ngẫu nhiên, trên thế giới, người ta xếp báo chí thuộc Quyền lực thứ tư.

Ở nước ta, báo chí quả có sức mạnh đặc biệt. Phần lớn các vụ án, các vụ việc tiêu cực đều do báo chí phát hiện. Khi kết luận vụ việc lình xình liên quan đến đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn báo chí, nhờ có báo chí, ông mới biết rõ hơn một số tình tiết của vụ việc.

Chúng ta hiện có hơn tám trăm tờ báo và hơn một trăm kênh Truyền hình. Nếu tính cả báo điện tử thì phải lên đến con số hàng ngàn, hàng vạn. Đó là lưới giời lồng lộng trong mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhà báo đã xả thân vì miếng cơm, manh áo của dân. Và không phải chỉ có các nhà báo dũng cảm, trong sự phát triển như bão lốc của công nghệ thông tin hiện nay, chỉ một điện thoại di động, một cây bút có chức năng ghi hình, bất cứ người dân nào cũng thành nhà báo, thành hiệp sĩ chống tiêu cực, có thể “tóm gọn” kẻ gian với đầy đủ tang chứng, vật chứng. Chẳng khuất tất nào có thể thoát nổi con mắt của dân qua ống kính của các nhà báo. Chỉ có điều, chúng ta có muốn xử lý nghiêm túc hay không mà thôi.

Cùng với việc chống cái xấu cái ác, báo chí cũng phát hiện nhiều vẻ đẹp như phép lạ của đời sống thường ngày. Trong khi có quan chức “ăn” cả đất của dân, thì lại có người dân, sống lay lắt bằng đồng tiền bán vé số, nhưng đã hiến ngót ngàn mét đất hương hỏa, có giá trị hàng trăm cây vàng để xây trường cho trẻ con nghèo. Một thầy giáo về hưu bỏ tiền riêng làm cầu cho cả làng đi. Một cháu bé mới có ba tuổi mà đã thành anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, lấy thân mình che cho em khỏi bày ong dữ, rồi ra đi một cách thanh thản. Những tấm gương ấy đã làm hàng triệu người đọc rơi nước mắt. Những câu chuyện như thế, làm sao mà cũ được.

Chính “Tâm sáng, Mắt trong, Bút sắc” - theo quan niệm của nhà báo lão thành Hữu Thọ - đã cho các ký giả chúng ta có phép màu nhiệm, biến những khoảnh khắc mong manh thành vẻ đẹp vĩnh cửu. Vẻ đẹp của muôn đời...

Trần Đăng Khoa