- ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) không đồng tình việc tách trại tạm giam khỏi cơ quan điều tra, tổ chức mô hình quản lý hệ thống cơ sở trại tạm giam, tạm giữ độc lập vì có thể phải huy động kinh phí đầu tư lớn, xây dựng thêm 700 nhà tạm giam, 700 nhà tạm giữ.

ĐB tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên họp QH chiều nay về luật Tạm giữ, tạm giam. Ông cho rằng nên giữ nguyên mô hình quản lý hệ thống cơ sở trại tạm giam, tạm giữ như hiện hành, những trại tạm giam, tạm giữ cấp huyện/tỉnh do cơ quan công an cấp huyện/tỉnh trực tiếp quản lý đang bảo vệ an toàn cho hệ thống này.

{keywords}
ĐB Phạm Xuân Thường 

Theo ông Thường, công tác quản lý giam giữ lâu nay không nảy sinh vấn đề quá lớn. Nếu tổ chức bộ máy độc lập theo ngành dọc ngoài việc phải có kinh phí xây dựng thêm 700 nhà tạm giam, 700 nhà tạm giữ còn phải nuôi thêm bộ máy, con người, hay bảo vệ các nhà tạm giam, tạm giữ cũng là vấn đề lớn.

ĐB không đồng tình việc tổ chức bộ máy độc lập có thể khắc phục những bất cập liên quan bức cung, nhục hình tại nhà tạm giam, tạm giữ. Bởi điều quan trọng là giáo dục đạo đức cán bộ.

Phó chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ cũng giải thích thực tế các cơ quan quản lí tạm giam, tạm giữ từ cấp huyện đến tỉnh và bộ đều độc lập với cơ quan điều tra. Do đó không nhất thiết thành lập hệ thống quản lý tạm giam, tạm giữ theo ngành dọc vừa tốn kém bộ máy, cơ sở vật chất mà chưa chắc đã hạn chế được bức cung, nhục hình.

Ông Ngũ cũng cho rằng, giải quyết tình trạng bức cung, nhục hình phải từ công tác cán bộ. Nếu giáo dục cán bộ tốt cùng với các thủ tục pháp lí thực hiện chặt chẽ sẽ khắc phục được tình trạng này.

Tuy nhiên, ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lại tỏ ra nghi ngờ những băng ghi âm, ghi hình do chính các cơ sở tạm giữ, tạm giam thuộc huyện, tỉnh quản lý có đủ khách quan? ĐB tỉnh Phú Yên đề nghị nên đưa quản lý trại tạm giam, tạm giữ về Tổng cục 8 trực thuộc Bộ Công an để khách quan, tránh sự nghi ngờ.

{keywords}

ĐB Đặng Thị Kim Chi

Bà cũng lưu ý trang bị camera tại phòng tạm giam, tạm giữ để tránh chuyện can phạm có ý định tự tử hoặc gây rối trong trại tạm giam, tạm giữ.

Thi hành án tử hình ra sao?

Về quản lý người thi hành án tử hình, ĐB Phạm Xuân Thường cho rằng nếu dồn tất cả người thi hành án tử hình vào trại tập trung sẽ gây khó khăn cho công tác bảo vệ và gây rủi ro lớn.

“Thực tế việc quản lí đối tượng này tại mỗi địa phương riêng biệt đã rất vất vả vì tâm lý của họ rất phức tạp. Giờ lại giam tập trung vào một nơi Bộ Công an sẽ xử lý ra sao, sức ép của cán bộ quản lý như thế nào”, ĐB Thường lo ngại.

Ông cũng nêu tình trạng thi hành án tử hình hiện nay rất tốn kém, 200-300 triệu/trường hợp như ở Lào Cai xuống Sơn La; từ Thái Bình vào Nghệ An...

Ngoài ra, ông cũng cho rằng việc thi hành án tử hình di chuyển từ địa phương này sang nơi khác sẽ không an toàn. Do đó, ĐB Thường đề nghị QH tạo điều kiện cho Bộ Công an nghiên cứu tổ chức xe tử hình lưu động và tạm giam những người thi hành án tử hình tại trại tạm giam cấp tỉnh là hợp lý.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Quang