- Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn kể tại một hội nghị ở Bắc Giang, khi VCCI hỏi ai đã biết về nghị quyết 19 thì không cánh tay nào giơ lên. Địa phương rất lúng túng, thậm chí không biết có 2 nghị quyết cùng số 19 đã ban hành về cải thiện môi trường kinh doanh.

Phát biểu tại hội thảo tổng kết thực hiện nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh hôm nay, ông Tuấn cho rằng, trong cơ chế phân cấp, cấp tỉnh, địa phương rất quan trọng, không nhấn mạnh chính quyền tỉnh trong thực hiện nghị quyết 19 là bỏ qua một mắt xích quan trọng.

Vậy nhưng việc thực hiện nghị quyết 19 thời gian qua có vẻ như thiên về thay đổi qui định. "Việt Nam có khoảng cách thực tế và qui định, giữa cái mồm và cái tay. Địa phương nào cũng nói cải thiện môi trường kinh doanh nhưng thực tế làm thế nào? Vấn đề là doanh nghiệp có thấy chuyển biến không, điều đó mới bền vững" - ông Tuấn nói.

{keywords} 

Tốn kém phí bôi trơn

Bà Nguyễn Phương Thảo, Phó trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho biết, vẫn còn tình trạng bộ ban hành giấy phép con trái luật.

Bà dẫn chứng, mới đây, Bộ Y tế ban hành dự thảo thông tư quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu. Trong đó, Bộ lại đưa thêm thủ tục trung gian là doanh nghiệp bắt buộc phải nhận “thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” tại Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố được chỉ định.

Quy định này trái với chính luật An toàn thực phẩm bởi chỉ khi nào mặt hàng thuộc quyền quản lý của 2 bộ trở lên thì mới phải do cấp bộ chịu trách nhiệm kiểm tra, cấp "giấy phép".

Một công ty nhập khẩu phụ gia thực phẩm ở Hải Phòng cũng chia sẻ nếu quy định trên của Bộ Y tế được ban hành, doanh nghiệp sẽ phải tốn gấp đôi thời gian làm thủ tục và phát sinh thêm chi phí ít nhất là 2,3 triệu đồng/ngày.

Đi đôi với thủ tục là phí bôi trơn. Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát hải quan cho biết, rất nhiều vướng mắc trong thủ tục quyết toán hàng gia công chưa được giải quyết. Khi thực hiện hải quan điện tử thì không phiền về khai báo, lại phiền về giám sát.

"Khâu giám sát hải quan không hề giảm, chưa nói đến việc đi qua cửa nào cũng phải có chút gì đó. Có đơn vị có 1.000 lô hàng đi qua cửa khẩu hải quan mỗi ngày, mỗi lô một tí thế cũng không phải nhỏ", ông Bình nhìn nhận.

Các bộ thờ ơ

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, có một dòng chảy ngược lại với những mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đã đề ra. Nghị quyết 19 rõ ràng triển khai chậm. Mục tiêu của nghị quyết là môi trường kinh doanh Việt Nam phải tăng lên hạng trung bình của ASEAN-6 trong năm 2015 và ASEAN-4 năm 2016. Yêu cầu lớn nhất là thời gian và số lần làm các thủ tục liên quan đến kinh doanh phải rút gọn lại.

Tuy nhiên, có tới 52 tỉnh, thành phố và 14 bộ ngành chưa có kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết 19. Trong đó, có Bộ Y tế, Khoa học - Công nghệ... Thậm chí, TP.HCM là địa phương được Ngân hàng Thế giới lựa chọn làm điều tra cho báo cáo xếp hạng cải thiện môi trường kinh doanh toàn cầu, hiện cũng chưa ban hành chương trình hành động.

Phạm Huyền