- Học phí, viện phí không những "thả nổi" theo giá thị trường mà còn phải gánh thêm thuế từ 15% đến 28% tùy loại khiến nhiều ĐBQH lo lắng sự chuyển đổi nhạy cảm nếu thiếu lộ trình.

Dù theo tờ trình của Chính phủ, viện phí và học phí không thuộc đối tượng điều chỉnh của dự luật Phí, lệ phí - được thảo luận tại phiên họp QH hôm nay song các ĐBQH vẫn "chất vấn" tác động của việc loại hai phí này ra khỏi luật để điều chỉnh theo cơ chế giá dịch vụ thị trường ở luật khác.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, gọi là học phí, viện phí tốt hơn gọi là giá vì giá chỉ được khi điều chỉnh theo giá thị trường biến động và do ngành đó ban hành còn phí phải do Bộ tài chính ban hành.

ĐB tỉnh Tiền Giang cho rằng trong mấy chục năm đổi mới vừa qua, vấn đề gay cấn nhất của xã hội là học phí và viện phí. Nhân dân, đại biểu băn khoăn, cán bộ cũng băn khoăn. Ông cho rằng, luật cần phải làm rõ giữa phí và giá của hai loại dịch vụ này, trong đó có một phần thuế (15% hoặc 28% tùy loại).

“Nếu tiếp tục giữ giá dịch vụ y tế phải bỏ thuế này. Vì đây là dịch vụ chăm sóc sức khỏe phải miễn. Thuế hay không thì cuối cùng người dân vẫn phải nộp, các cơ quan, bệnh viện không bỏ ra”, ông Tiên giải thích.

{keywords}
ĐB Trần Văn Độ

Mặc dù ủng hộ việc xã hội hóa các dịch vụ công dần dần theo cơ chế giá thị trường nhưng ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cũng cho rằng không nên chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá. 

“Nếu không thực hiện đồng bộ với chính sách an sinh xã hội, tôi e rằng cũng rất nhạy cảm, bất cập. Vấn đề là làm sao người dân, nhất là người nghèo, tiếp cận được với giáo dục, đào tạo, tiếp cận được với việc khám, chữa bệnh”, ĐB Độ lo lắng. Theo ông, việc này phải có lộ trình dài, không thể chỉ một vài năm mà thực hiện xong.

Dịch vụ công không được tính lợi nhuận

Trong khi đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhìn nhận chuyển học phí, viện phí sang cơ chế giá là hợp lý nhưng lưu ý riêng học phí cấp phổ thông cần tính toán lại để tránh ảnh hưởng tới quyền học tập của người dân. “Không phải vì một khoản thu mà vi hiến được”, bà lưu ý.

ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, muốn giải quyết sự bất công trong viện phí, học phí hiện nay phải chuyển viện phí sang cơ chế giá. Nhà nước chỉ đầu tư vào các bệnh viện xã hội và dành tiền đầu tư những trạm y tế vùng sâu vùng xa.

{keywords}
ĐB Lê Nam

“Thực hiện được như vậy thì hàng ngày Bộ trưởng Y tế không phải lo vấn đề y đức” - ĐB Lê Nam góp ý.

Cũng liên quan đến vấn đề xã hội hóa các dịch vụ công, lợi nhuận trong việc thu các loại phí, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phản đối nguyên tắc xác định mức thu phí tính đến mức lợi nhuận phù hợp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư cung cấp dịch vụ công.

Theo ông, tiền lương của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công đó là từ ngân sách nhà nước, là tiền của dân. Vì vậy người dân chỉ cần trả các khoản tiền để bù đắp chi phí hợp lý là đủ, không cần phải trả thêm tiền mức lợi nhuận phù hợp.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng đề nghị luật phải tính tới quyền lợi, lợi ích của người dân một cách hợp lý, không phải khi cung cấp dịch vụ là nghĩ ngay tới thu phí, lệ phí. Làm sao khắc phục được việc lạm thu, tận thu và phí chồng phí.

“Tuyệt đối không được tính tới lợi nhuận khi thu phí dịch vụ công. Còn nếu tính tới lợi nhuận thì phải xã hội hoá, không thể nhập nhèm giữa dịch vụ công và phí dịch vụ”, ĐB Tâm nhấn mạnh.

Chủ tịch HĐND TP.HCM một lần nữa đề nghị loại bỏ thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện xe máy do dân không đồng tình. Theo bà, đây là loại phí vừa không hợp lý, vừa thiếu công khai, khó minh bạch, khó thực hiện và khó hiểu.

Thu Hằng