- GĐ Công an TP Hà Nội nói: Người nghèo đi buôn ma tuý bị tử hình. Người có học hành, am hiểu pháp luật lại tham nhũng mà thoát án tử hình thì có điều gì đó không công bằng.

Thảo luận tại tổ về bộ luật Hình sự sửa đổi chiều nay, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, quy định bỏ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự như dự thảo luật là "quy định rất hay" nhằm truy đến cùng đối tượng tham nhũng.

{keywords}
ĐB Đỗ Văn Đương. Ảnh: Phạm Hải

Ông nhận định không thể để đối tượng chiếm đoạt, tham ô tài sản một vài năm rồi chờ hết thời hiệu là không bị phạt tù nữa.

“Bất cứ khi nào bắt được là truy cứu đến tận cùng, dù là có trốn đến râu râu dài tới rốn mà tóm được thì cũng không thoát tội”, ông Đương quả quyết.

Nhiều ĐB cho rằng việc bỏ tử hình một số tội danh như dự luật quy định là chưa phù hợp, trong đó có tội tham nhũng, tham ô, lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

ĐB Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho hay nhiều cử tri bất bình với quy định tội danh này không nằm trong “khung” tử hình để răn đe nghiêm minh, kể cả việc phạm tội bị tuyên án tử hình rồi nộp tiền khắc phục sẽ được giảm xuống chung thân.

Có một thực trạng xử lý hình sự nhưng tham nhũng vẫn không giảm, vì vậy ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, án tử hình có thể "chưa đủ" mà cần phải xem xét cả những quy định chặt chẽ hơn nữa để có muốn cũng không thể tham nhũng.

XEM CLIP:

Giám đốc Công an TP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung kể một thực tế ông nắm, đó là án tử hình giảm xuống 20 năm, 18 năm, cứ đi chừng 15 năm là về, nên đề nghị trong tội phạm tham nhũng vẫn cần tử hình để mang tính răn đe.

“Ta thử suy nghĩ, người nghèo, những người không có điều kiện về dân trí, họ không có điều kiện để sinh sống, đi buôn ma tuý vẫn bị tử hình. Người có học hành, am hiểu pháp luật, được giáo dục lại tham ô tham nhũng mà thoát án tử hình thì có điều gì đó không công bằng ở đây”, ông nêu vấn đề.

Hình sự phải rắn "như đỏ lửa"

Việc bỏ án tử hình đối với một số tội danh khác cũng được các ĐB quan tâm. ĐB Đương cho rằng chưa nên bỏ với tội phá hủy công trình an ninh quốc gia. “Như đường dây 500 KV nếu bị phá hủy là toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp ảnh hưởng. Nếu cố ý gây ra việc này phả xử ngay”.

Tiếp mạch phản biện, ông cho rằng, quy định tử hình theo tội danh nhưng một chính sách hình sự nhu mì sẽ làm nhiều người ảnh hưởng. "Phải cứng rắn như lửa đỏ để cho người phạm tội sờ vào thấy sợ và những người khác không dám lăm le. Đấy mới là luật hình sự”, ông Đương đề nghị.

{keywords}
ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Trần Du Lịch cũng cho rằng mọi hình phạt đối với tội phạm nghiêm trọng phải có tính răn đe trong khi ta vẫn đang trị "nặng về hậu quả,  nhẹ về động cơ". Chỉ có án phạt về động cơ mới ngăn ngừa được tội phạm, không thể kiểu như đánh thương tật 11% mới bị truy tố còn mỗi ngày tát tai mấy cái không ăn thua gì.

Phó giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong kiến nghị  một số tội không nên bỏ án tử hình, trong đó có tội vận chuyển ma túy. Đối với tội này nên quy định định lượng số chuyển ma túy cao lên, người nghèo vận chuyển thuê thì nên xem xét còn kẻ chủ mưu có tổ chức gắn với mua bán thì vẫn giữ tử hình.

ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định) cũng cho rằng nếu bỏ án tử hình đối với tội tàng trữ, vận chuyển ma túy sẽ hạn chế rất nhiều đến quá trình đấu tranh chống tội phạm ma tuý bởi đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến xã hội.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề nghị xem xét lại việc bỏ tử hình đối với tội tội cướp tài sản, sản xuất mua bán hàng giả lương thực thực phẩm, tội chống lại loại người, phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược.

Bớt quyền tư pháp, không thể chống thế lực thù địch

Một nội dung khác là những quy định hạn chế cơ quan tư pháp. Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho rằng hạn chế bớt quyền của các cơ quan tư pháp thì không thể chống lại thế lực thù địch. "Ví dụ như đưa ra bị can bị cáo có quyền im lặng, thế thì làm sao họ khai”.

Ông cũng không đồng tình những quy định như bị can, bị cáo đọc tài liệu hồ sơ vụ án. "Vậy lúc nào đọc, đọc làm gì, thế rất khó khăn cho cơ quan tư pháp. Hay ghi âm, ghi hình các cuộc hỏi cung. Bây giờ ghi làm sao được, có nhất thiết cuộc nào cũng phải ghi âm như thế không, ở miền núi thì ghi làm sao được?", ông đặt câu hỏi.

Với những vụ án quan trọng, ông đồng ý ghi âm, ghi hình. "Như thế cũng tốt, tránh được nhiều thứ. Với những vụ án bắt quả tang rồi thì ghi âm ghi hình làm gì? Đừng đưa ra những quy định làm “bó tay” cơ quan tư pháp. Khi nào bàn kỹ đến nơi đến chốn mới nghĩ đến chuyện thông qua trong năm nay, còn giờ chưa nên thông qua”, ông Hiếu nhấn mạnh.

T.Hằng - H.Nhì - H.Sang - T.Hạnh - T.Lý - X.Quý