- Theo báo cáo gửi QH của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, mức lương cơ sở hiện hành của bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.

Báo cáo thực hiện nghị quyết về chất vấn của QH của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình gửi các ĐBQH đề cập chính sách về tiền lương, cho hay từ 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung (mức lương cơ sở).

Tính chung cả ba lần điều chỉnh, lương tăng thêm 57,5%, cao hơn chỉ số giá tiêu dùng của tháng 12/2014 so với tháng 12/2010 do Tổng cục Thống kê công bố là 36,3%.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình: 7 triệu người đang hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách nhà nước. (Ảnh: Minh Thăng)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng điểm hạn chế đó là mức lương cơ sở hiện hành 1,15 triệu đồng/tháng thực hiện từ ngày 1/7/2013 mới đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2015 của khu vực doanh nghiệp (2,6 triệu đồng/tháng).

Điều này dẫn đến các mức lương ngạch, bậc, chức vụ thấp theo, tính cả 25% phụ cấp công vụ thì mức tiền lương của người tốt nghiệp đại học hết tập sự khoảng 3,58 triệu đồng/tháng, Bộ trưởng khoảng 14,4 triệu đồng/tháng.

Đối tượng hưởng lương và trợ cấp hàng tháng (gắn với tiền lương) từ ngân sách nhà nước rất lớn, khoảng 7 triệu người, chưa bao gồm quân đội và công an. 

"Đời sống của người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn" - báo cáo của bộ trưởng nhận định. 

Ông cũng nhấn mạnh hạn chế của chính sách tiền lương đó là hệ thống thang, bậc lương còn bình quân. 

Do mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ còn thấp, nên các cơ quan có thẩm quyền đã mở rộng đối tượng áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành nghề, đã làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành nghề.

Bố trí ngân sách cải cách tiền lương

Để giải quyết thực trạng, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu nhiều nhóm giải pháp. Tinh thần sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo lộ trình tiến tới bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương gắn với đổi mới hoạt động sự nghiệp công và phù hợp với khả năng nền kinh tế. 

Nghiên cứu, từng bước mở rộng quan hệ lương thấp nhất - trung bình - tối đa cho phù hợp với quan hệ thị trường, trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống thang, bậc lương và các chế độ phụ cấp.

Rà soát, xác định rõ các ngành, nghề đặc thù, để làm căn cứ xây dựng, hoàn thiện các chế độ trợ cấp, phụ cấp bảo đảm công bằng, hợp lý, nhất là các chế độ phụ cấp theo nghề (thâm niên, ưu đãi, trách nhiệm theo nghề).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xây dựng khung cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, trong đó sẽ tính toán cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, chi trả nợ và khả năng bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho cải cách tiền lương giai đoạn 2016 – 2020. 

L.Thư