- Chỉ có cách quy định cấm ban hành thủ tục hành chính (TTHC) trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp bộ trở xuống mới chặn được việc bộ soạn thảo tìm cách lách đưa vào trong thông tư các giấy phép con để tránh việc kiểm soát.

Ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) nêu tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chiều nay.

{keywords}

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Thanh

ĐB phản ánh thực tế thời gian qua có nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các bộ và địa phương ban hành TTHC tùy tiện, gây khó khăn cho người dân và DN. Có loại TTHC hợp pháp nhưng không hợp lý, chưa phù hợp với thực tế kể cả giấy phép con do các cơ quan quản lý tự quy định.

Theo bà Thanh, có nhiều TTHC được giao Chính phủ quy định trong các văn bản hướng dẫn nhưng thực chất là do các bộ soạn thảo nên họ tìm cách lách đưa vào trong thông tư để tránh việc kiểm soát. Vì vậy chỉ có cách quy định cấm bàn hành TTHC trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp bộ trở xuống.

Nắm thủ tục, dễ vô hiệu hóa người khác

ĐB Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Thúy tán thành việc không giao ban hành TTHC trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp bộ trở xuống.

{keywords}

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy

“Điều này liên tưởng câu nói của nghị sĩ nước ngoài rằng: nếu cho bạn viết về luật nội dung và cho tôi viết về luật thủ tục thì tôi có thể đánh bạn vào bất cứ lúc nào. Như vậy nếu nắm trong tay thủ tục thì một người có thể vô hiệu hóa hoặc uốn nắn người khác dễ dàng”, bà Thúy diễn giải.

ĐB nhấn mạnh việc ban hành TTHC phải xuất phát từ lợi ích của người dân, xây dựng TTHC chính để người dân thực thi quyền của mình tốt hơn, công việc được xử lý một cách khách quan công bằng chứ không phải nhẹ nhàng hơn cho hoạt động quản lý trong công việc. Do đó cần hạn chế quyền ban hành TTHC.

Bàn trách nhiệm trong ban hành văn bản pháp luật, ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng dự luật chỉ đề cập trách nhiệm cơ quan mà chưa đề cập đến trách nhiệm cá nhân và chưa đề cập giám sát việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Bà đề nghị bổ sung việc quy định trách nhiệm cá nhân và giám sát việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật và coi đó là cơ sở quy kết trách nhiệm cơ quan, cá nhân làm chậm.

Dẫn chứng nhiều luật gần đây vừa thông qua đã bị phản đối, ĐB Hoàng Đức Thắm (Quảng Trị) lý giải việc này do quy định hiện nay cứ 50% ĐBQH tán thành là được thông qua.

{keywords}

ĐB Hoàng Đức Thắm

“Có những luật có những điều còn nhiều tranh cãi, trong điều ấy lại có những khoản nhiều người không đồng ý nhưng khi biểu quyết thì chỉ biểu quyết đến điều luật nên nhìn chung là luật được thông qua nhưng bên trong có những khoản nhiều ĐB vẫn không đồng ý lắm”, ĐB phân tích.

Nên nếu không vướng, không vi phạm nguyên tắc cơ bản thì nên quy định nâng ý kiến tán thành của ĐB lên trên 2/3 ĐBQH đồng ý thì điều, luật ấy mới được thông qua thay vì trên 50% như hiện nay. Ý kiến của ĐB Thắm nhấn mạnh đồng thời kỳ vọng những nội dung nào dưới 2/3 ĐBQH thông qua là bỏ ra khỏi luật.

Thu Hằng - Hồng Nhì - Ảnh: Minh Quang