- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho biết thông tin xung quanh việc sửa hay không sửa điều 60 luật Bảo hiểm xã hội đang tác động đến cả người lao động và người sử dụng lao động.

Trao đổi với báo chí chiều nay về hướng tuyên truyền luật BHXH trong bối cảnh việc có quy định lại các sự lựa chọn nhận BHXH của người lao động hay không sẽ do QH quyết định, ông Phạm Minh Huân thừa nhận đây là vấn đề lớn, nhạy cảm.

"Chính phủ sẽ phải báo cáo trước QH, phân tích đánh giá mặt tích cực và cả mặt hạn chế của điều 60. Chiều 19/5, Bộ sẽ báo cáo trước UB Các vấn đề xã hội QH để hoàn chỉnh trước khi đưa ra QH", ông Huân nói.

{keywords}
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Cần làm cho người lao động hiểu rằng việc tích lũy để sau này có điều kiện hưởng lương hưu chắc chắn tốt hơn nhiều so với lĩnh một lần. Ảnh: Chung Hoàng

Trước đó, ngày 12/5, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền báo cáo UB Thường vụ QH giải trình về sự việc tại công ty Pouyuen, công nhân phản ứng với điều 60 luật BHXH sắp thi hành từ năm sau, muốn được lựa chọn nhận BHXH 1 lần như trước khi sửa luật. Thường vụ QH đề nghị đưa ra QH thảo luận, quyết định việc điều chỉnh điều 60.

Thứ trưởng Huân nhận định: Sự phản ứng của công nhân cũng phải được nhìn nhận là một nguyện vọng xuất phát từ thực tế, tiền lương, thu nhập còn thấp mà có rất nhiều khoản phải chi tiêu, coi BHXH 1 lần như 1 khoản thu nhập bổ sung để trang trải cuộc sống trước mắt. Còn cuộc sống của 15-20 năm sau thì chưa nghĩ đến.

Ông cũng cho biết nhiều nhãn hàng lớn gọi điện cho ông, lo lắng nguy cơ công nhân tiếp tục đình công phản ứng điều 60.

"Cần làm cho người lao động hiểu rằng việc tích lũy để sau này có điều kiện hưởng lương hưu chắc chắn tốt hơn nhiều so với lĩnh một lần", ông Phạm Minh Huân nói. "Khi còn có việc làm mà không tích lũy, đến khi về già, không còn hoặc giảm khả năng lao động, không có thu nhập thì sẽ rất khó khăn, trở thành gánh nặng cho nhà nước, gia đình".

Lưới an sinh, mà bề mặt là BHXH, đang rất mong manh, mới chỉ đạt 20% số đối tượng trong diện đóng bảo hiểm, trong khi số người đi ra khỏi hệ thống, nhận BHXH một lần, đang tăng nhanh, Thứ trưởng chỉ ra.

Lợi ích của điều 60 được đại diện Vụ Bảo hiểm của Bộ minh họa bằng một tính toán giả định: Với bình quân lương tháng 4 triệu đồng, một người nghỉ hưu sau 20 năm đóng BHXH sẽ nhận được tổng chi phí (gồm lương hưu hàng tháng tương ứng với kỳ vọng sống, BH y tế, tiền mai táng phí và tuất một lần) có thể lên đến trên 500 triệu đồng. Cũng người đó nếu nhận BHXH một lần thì con số chỉ là 124 triệu đồng.

Nếu là lao động nữ thì còn cao hơn, vì nghỉ hưu sớm hơn và thời gian hưởng lương hưu dài hơn, có thể lên đến trên 700 triệu đồng. Tích lũy thời gian để được hưởng lương hưu thì lợi ích của người lao động sẽ gấp 4-5 lần so với nhận BHXH một lần, là kết luận của Vụ Bảo hiểm.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng thừa nhận giả định này khó thuyết phục với những lao động trong lĩnh vực dệt may, da giày vốn có thời gian lao động ngắn. Chính vì vậy, ngoài điều 60, luật BHXH có những cơ chế khác cho lao động dịch chuyển như tham gia BH tự nguyện, tăng mức đóng BHXH...

Ông Huân cũng đồng tình là việc quản lý quỹ BHXH phải được cải thiện: giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho bộ máy, tính cả hướng xã hội hóa...

Hôm nay, Bộ LĐ-TB-XH cũng đưa dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật BHXH, trong đó có lộ trình giảm tỷ lệ hưởng lương hưu: Từ năm 2018, thời gian đóng BHXH để được hưởng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng tối đa 75% sẽ tăng thêm 5 năm, với nam là 35 năm, nữ là 30 năm.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói: "Việc thay đổi công thức tính lương hưu này là để giảm tỉ lệ hưởng. Bây giờ ai cũng nghĩ về hưu sẽ được hưởng tối đa 75%, thay con số này là rất khó về mặt tâm lý xã hội. Chỉ còn cách là kéo dài thời gian đóng góp để được hưởng tối đa lương hưu".

Đó cũng là một trong những giải pháp đẩy lùi nguy cơ mất cân đối BHXH, ông Huân thừa nhận.

Chung Hoàng