- Một đồng nghiệp của tôi đã bàng hoàng khi đọc tin cần cẩu bất ngờ đổ sập ở công trường thi công đường sắt trên cao trên đường Cầu Giấy chiều 12/5. Đó chính là con đường mà ngày nào cô ấy qua lại vài lần để đi làm, đưa con đi học.

Không chỉ Cầu Giấy, còn Nguyễn Trãi, Hoàng Cầu, Hồ Tùng Mậu... cả thành phố Hà Nội là một đại công trình.

Mỗi ngày, hàng triệu người lao động thủ đô lưu thông qua - giữa - dưới những công trình đó, với kỳ vọng sớm để lại sau lưng những giờ tắc đường mệt mỏi chật cứng ôtô và xe máy, vì trước mắt là một hệ thống tàu điện đô thị tiện lợi, nhanh chóng, chí ít là như nhiều thành phố các nước láng giềng trong khu vực đã có từ cả chục năm nay.

{keywords}
Hiện trường vụ sập cần cẩu dự án đường sắt đô thị Hà Nội ngày 12/5 trên đường Cầu Giấy. Ảnh: Vietnam+

Thế mà:

Tháng 11/2014, tại công trường tuyến Cát Linh - Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi, một thanh thép rơi tuột từ cần cẩu xuống đường làm chết một người đi xe máy.

Cuối tháng 12/2014, giàn giáo tại công trường nhà ga bến xe Hà Đông bị sập, chôn vùi một xe taxi trong bêtông, người ngồi trong xe kịp thoát.  

Chiều 10/5, trên công trường tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội, một cọc sắt rơi xuống đường khiến hai người đi xe máy bị thương nhẹ.

Trong cùng một ngày 12/5, trước khi xảy ra sự việc đổ cần cầu vào buổi chiều làm một phụ nữ mang thai 8 tháng đi xe máy đã bị ngã và bị thương nhẹ, thì buổi sáng, một xe hơi đi qua nút giao Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đã bị bị thanh sắt từ trên công trường nhà ga vành đai 3 tuyến Cát Linh - Hà Đông rơi trúng cánh cửa.

Bốn trong số 5 tai nạn kể trên xảy ra sau khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cam kết trước Quốc hội (tháng 11/2014) là đảm bảo "an toàn tuyệt đối" việc thi công đường sắt đô thị.

Sau 4 tai nạn trước, các công trường vẫn tiếp tục thi công như chưa hề có chuyện xảy ra. Có nhà thầu bị chỉ trích, có cán bộ ngành đường sắt bị kỷ luật, có các cơ quan thanh tra, điều tra vào cuộc, nhưng tai nạn vẫn liên tiếp xảy ra. Không công trường nào bị đình chỉ thi công, không vị hữu trách nào bị mất chức, không cuộc kiểm tra nào đi đến kết luận.

Tai họa vẫn treo lơ lửng trên đầu người dân Hà Nội.

Bên cạnh đó, dù đã cố rà lại các bản tin, vẫn khó tìm được một phản ứng chính thức nào của các lãnh đạo thành phố Hà Nội ở bất cứ cấp nào trước các thông tin tai nạn chấn động trên. Chưa thấy vị lãnh đạo Hà Nội nào lên tiếng nhận một phần trách nhiệm nào trong những sự cố trên về mình.

Cần lưu ý rằng, đường ống dẫn nước Sông Đà, nguồn cung nước sinh hoạt cho 7 vạn hộ dân Hà Nội, đã vỡ 10 lần, xen kẽ với không biết bao nhiêu lần "sẽ thanh tra, kiểm tra, điều tra", "rút kinh nghiệm", "cảnh cáo", "thay nhà thầu nếu cần"..., trước khi 2 nguyên giám đốc Vinaconex, đơn vị chịu trách nhiệm về công trình này, bị bắt. Nhưng việc đó liệu có đảm bảo đường ống này sẽ không vỡ lần thứ 11?

Nếu cách giải quyết đối với các sự cố trên công trình đường sắt trên cao không thay đổi sau 5 lần tai nạn, ai dám nói đến khi hệ thống metro Hà Nội thành hình, con số này sẽ giữ nguyên. Người dân Hà Nội liệu có thể yên tâm sử dụng phương tiện này?

Không lẽ chúng ta sẽ thực sự phải làm cái việc không nước nào trên thế giới làm như gợi ý của ĐBQH Đỗ Văn Đương khi chất vấn Bộ trưởng Đinh La Thăng cuối năm 2014: "Để an toàn cho người đi đường, Bộ trưởng có nên tính đến phương án cho tàu sắt chạy trong hộp để đảm bảo không… rơi xuống đất?"

Trong lúc đó, một độc giả miền Nam phản ánh: TP.HCM cũng đang xây dựng metro mà không hề có tai nạn, các công trình đều sạch sẽ tinh tươm. Xem ra, tàu ở TP.HCM sẽ không phải chạy trong hộp.

Chung Hoàng

Đường sắt trên cao: Thanh tra CP vào cuộc nếu cần
Đường sắt trên cao 'tuyệt đối an toàn'
Tai nạn đường sắt: Yêu cầu kỷ luật Chủ tịch Cienco1