- Chính phủ hôm nay báo cáo UB Thường vụ QH về kiến nghị điều chỉnh Điều 60 luật Bảo hiểm xã hội sau vụ việc người lao động ngừng việc để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại điều này.

Kiến nghị sửa do công nhân phản đối

Báo cáo do Bộ trưởng LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đọc nhận định: Theo quy định tại luật BHXH 2006, người lao động sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết BHXH một lần.

{keywords}
Bộ trưởng LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Minh Thăng

"Việc giải quyết BHXH một lần tuy tạo điều kiện cho người lao động có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trước mắt nhưng khi về già không có lương hưu để bảo đảm cuộc sống sẽ khó khăn cho bản thân người lao động, gia đình và xã hội", bà Chuyền nói.

Do đó, khi sửa luật năm 2014, Điều 60 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hàng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận BHXH một lần.

"Khi người lao động vẫn còn trong độ tuổi lao động mà nghỉ việc thì tạm thời chưa giải quyết BHXH một lần mà thực hiện bảo lưu thời gian đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện, được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưukhi về già", Bộ trưởng phân tích.

Điều 60 luật BHXH vừa sửa đổi đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bà Nguyễn Thị Hải Chuyền khẳng định.

Nhưng khi luật chưa đến ngày có hiệu lực (1/1/2016) thì xảy ra sự việc ngày 26/3/2015, công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (100% vốn Đài Loan, có trụ sở tại quận Bình Tân, TP.HCM) và một số doanh nghiệp ở Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc do không đồng tình với quy định tại Điều 60, và kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại luật năm 2006.

Do đó, CP kiến nghị QH điều chỉnh Điều 60 như quy định trong luật năm 2006.

Cơ quan thẩm tra, UB các vấn đề xã hội QH đồng tình nên xem xét nhu cầu này của một bộ phận người lao động cho phù hợp với thực tế. UB này đưa ra hai hướng xử lý là sửa Điều 60 như kiến nghị của CP hoặc giao CP ra văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách này.

Nhưng UB này cũng cảnh báo việc điều chỉnh sẽ làm tăng số người không có lương hưu khi về già, đồng thời, về lâu dài, nhà nước phải tăng chi từ ngân sách cho chính sách đối với người cao tuổi không có lương hưu.

Cần thiết thì chưa thi hành vẫn có thể sửa

Thảo luận kiến nghị này, trong UB Thường vụ QH có nhiều ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng sự việc xảy ra ở Pouyuen là đáng tiếc, nhưng cần bình tĩnh xem xét để đưa ra quyết sách đúng đắn.

{keywords}
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Minh Thăng

"Tại sao chỉ có một bộ phận công nhân ở một doanh nghiệp, một khu vực, chứ không phải tất cả công nhân lao động trên toàn quốc? Bộ phận đó có đại diện cho công nhân cả nước đều muốn lãnh một lần không?", bà Ngân đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch QH, vốn là Bộ trưởng LĐ, TB&XH, nhắc lại bài học thực tế về "chế độ 176" năm 1989: 35 vạn người đã tự nguyện nhận trợ cấp thôi việc một lần, nhưng chỉ 3 năm sau, nhiều người yêu cầu được trả lại và xin hưởng hưu trí. 20 năm sau, vẫn còn nhiều người gọi 176 một cách nặng nề là "nhà nước vắt chanh bỏ vỏ".

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ không hài lòng việc một số ĐBQH phát biểu trên truyền thông đại chúng rằng họ đã không nhận thức đầy đủ vấn đề khi bấm nút. Bà khẳng định Điều 60 luật BHXH sửa đổi phù hợp với định hướng lâu dài, "là cái lưới đảm bảo không người dân nào rơi xuống tận cùng xã hội", vấn đề là nằm ở tuyên truyền, giải thích luật.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thi Phóng cũng lo người lao động sẽ bị thiệt, vì nếu chỉ đóng BHXH một vài năm đã rút thì không còn là quan hệ bảo hiểm, mà là quan hệ dân sự, sau khi người lao động rút ra thì có còn tiếp tục được bảo vệ.

Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường QH Phan Xuân Dũng lưu ý "luật là cho tất cả mọi người lao động", trong khi Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định Điều 60 là "lo cho dân khi họ ốm đau, bệnh tật, chứ không phải là khi họ khỏe mạnh, giống như mũ bảo hiểm là để phòng lúc tai nạn". Ông Hiển đồng tình đưa ra QH thảo luận, nhưng vẫn thấy "sửa là điều đáng tiếc".

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu thấy do luật chưa có hiệu lực, vẫn còn thời gian để tuyên truyền, giải thích. "Đến khi thi hành rồi mà có bất cập nảy sinh mà hôm nay chưa lường được thì đem ra sửa cũng chưa muộn", ông Lưu nói.

Nhưng Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn lại có ý kiến khác: Công nhân phản ứng không phải với Điều 60, mà là với việc một chính sách đang thực hiện tốt (thôi việc có thể nhận BHXH một lần) lại đem ra sửa bỏ đi. "Người ta không đồng tình cái mới, muốn quay lại cái cũ", ông Sơn giải thích và cho rằng nếu cần sửa thì nên sửa sớm hơn là muộn.

{keywords}
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn. Ảnh: TTXVN

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh QH Nguyễn Kim Khoa cũng lưu ý sự việc ở Pouyuen là phức tạp: Chính phủ đã hứa là sẽ sửa, nếu QH không bàn việc này thì sẽ có chuyện bất ổn, trong khi chính nhiều ĐBQH cũng chưa hiểu thấu đáo quy định này.

Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước còn nhận định đây là lần đầu tiên trong lịch sử QH VN, từ 1946 đến nay, một bộ phận công nhận công khai phản đổi thẳng vào một điều luật còn chưa thì hành.

"Chính phủ đã nhìn ra vấn đề này, QH phải lắng nghe và thảo luận, kết hợp tuyên truyền, đưa ý kiến các nhà khoa học, người có kinh nghiệm, để dân hiểu", ông Phước nói.

Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý cũng nhận định không nên né tránh việc này, nếu cần sửa luật thì kể cả chưa thi hành vẫn có thể đem ra sửa. Ông Lý cho rằng nên để QH quyết định việc này.

Ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng là: Nếu đúng là luật không tốt, QH sẵn sàng nhận khuyết điểm trước dân và sửa ngay. Còn nếu là do tuyên truyền, giải thích luật chưa tốt, phản ứng của công nhân là do đụng chạm lợi ích trước mắt, hay các nguyên nhân khác, thì phải xem xét.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Thị Hải Chuyền chuẩn bị báo cáo về sự việc Pouyuen và tờ trình chính thức về sửa đổi luật để thay mặt Chính phủ trình QH tại kỳ họp tới. UB các vấn đề xã hội cũng phải có quan điểm chính thức của cơ quan thẩm tra. Sửa hay không sửa Điều 60 sẽ do QH quyết định.

Đồng thời tiếp tục đối thoại, tuyên truyền, giải thích, vận động để công nhân thực hiện đúng luật.

Chung Hoàng