Giới quan sát cho rằng Nga - Trung bước vào một giai đoạn lâu dài của một mối quan hệ hữu hảo, thậm chí tiến tới rất gần việc hình thành một liên minh chính thức.

Khi Nga tổ chức buổi diễu binh hàng năm mừng Ngày Chiến thắng 9/5, các nhà lãnh đạo phương Tây phần lớn vắng mặt. Một nhà lãnh đạo nước lớn dường như không gặp bối rối bởi những vấn đề ngoại giao của Nga chính là Chủ tịch TQ Tập Cận Bình.

Ông đã đứng cạnh Putin trong suốt lễ diễu binh và những hoạt động khác sau đó. Chuyến thăm đi kèm với những cuộc hội đàm song phương và một cuộc tập trận hải quân chung hai nước tại Địa Trung Hải. Nó là động thái mới nhất trong hàng loạt cuộc gặp cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo. Có nhiều tranh cãi về độ bền vững của mối quan hệ Nga - Trung. Nhưng có điều chắc chắn rằng, Moscow và Bắc Kinh bây giờ đã gần nhau hơn thời điểm này năm ngoái.

{keywords}
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức tại Moscow hôm 9/5. Ảnh: SCMP

"Hôn nhân vụ lợi"?

Một số nhà bình luận cho rằng, đó là "cuộc hôn nhân vụ lợi", thậm chí đưa ra những cản trở trong quan hệ đối tác Nga-Trung. Số khác lại nói về cái gọi là "liên minh mềm" với nhấn mạnh, cho dù còn bất đồng, nhưng hai nước đã bước vào một giai đoạn lâu dài của một mối quan hệ hữu hảo, thậm chí tiến tới rất gần việc hình thành một liên minh chính thức.

Có hai nhà bình luận uy tín đã nói về "liên minh mềm" hay "hầu như là liên minh" trong vài tháng gần đây. Alexander Gabuev, trong bài viết cho Hội đồng Châu Âu về quan hệ đối ngoại, lập luận rằng: "Nước Nga của Putin đã xoay chiều ấn tượng về TQ", và "dù Nga và TQ khó phát triển thành một liên minh chính thức, thì hai bên cũng có thể thiết lập cái gọi là liên minh mềm".

Dmitri Trenin của Trung tâm Carnegie tại Moscow cho rằng: "Trong những năm tới, quan hệ Nga - Trung xích gần một cách đáng kể, có xu thế hướng tới cái gọi là hầu như liên minh, hầu như tương tác". Xu thế ấy là dấu hiệu kết thúc sự hội nhập của Nga với một "đại châu Âu" và thay vào đó là một thiết kế "đại châu Á".

Có một số ví dụ về việc Bắc Kinh, Moscow thắt chặt quan hệ trong những tháng gần đây. Đó là các thỏa thuận khí đốt trị giá hàng trăm tỉ đô la, hợp tác quân sự và ngoại giao song phương gần gũi hơn.

Về mặt kinh tế, nguồn tài nguyên khổng lồ của Nga dường như làm thỏa mãn một TQ luôn đói tài nguyên để phát triển. Cả Nga và TQ đều tin rằng, trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt bấy lâu là để kiềm chế Nga thông qua việc mở rộng NATO và TQ thông qua sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.

Nga và TQ thực sự đã phát triển mối quan hệ mạnh mẽ. Nhưng vẫn còn nhiều điều phía sau câu chuyện này.

Ví như chuyến thăm Moscow của ông Tập Cận Bình phản ánh nỗ lực quan hệ công chúng hơn là phát triển quan hệ lâu dài bền vững. Hay cuộc tập trận chung hải quân hai nước ở Địa Trung Hải. Qua nó, TQ có thể thể hiện sức mạnh đang gia tăng của hải quân cũng như khả năng phô diễn ở vùng biển xa. Còn Nga thì tự nhắc nhở mình và các láng giềng phía Tây rằng, họ có những người bạn hùng mạnh.

3 phép thử 

Những diễn biến trong quan hệ Nga - Trung tới nay chỉ tập trung vào những khía cạnh "dễ dàng" nghĩa là đối đầu với phương Tây và nguồn lực tài nguyên. Có thể đánh giá triển vọng quan hệ song phương thông qua ba phép thử quan trọng.

Thứ nhất là Trung Á. Sự chú tâm của TQ với khu vực này được xác nhận bằng việc ông Tập thăm Kazakhstan trước khi đến Moscow. Kế hoạch Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh được thiết kế nhằm mở rộng ảnh hưởng của TQ ở khu vực sân sau của Nga.

Chưa rõ Moscow định 'điều hướng' việc này thế nào. Giới phân tích còn đang chờ đợi một bức tranh rõ ràng hơn về cách Nga xem xét vấn đề lãnh thổ ra sao để phù hợp với lộ trình thương mại mong muốn của TQ nối với châu Âu và liệu hai bên có thể tránh được cuộc đụng độ giữa Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU) do Nga dẫn dắt và các dự án khác mà TQ khởi xướng.

Hơn thế nữa, hãy nhìn vào cuộc gặp thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào tháng 7 khi tổ chức này mở rộng cả về thành viên cũng như sứ mệnh. Cuộc gặp thượng đỉnh ấy liệu sẽ cho thấy tầm nhìn rõ ràng hơn về sự hợp tác giữa EEU của Nga và sáng kiến Con đường Tơ lụa của TQ? Nga sẽ chấp nhận ảnh hưởng của TQ trong khu vực?

Phép thử thứ hai là tương lai hợp tác quân sự song phương. Thỏa thuận bán hệ thống tên lửa phòng thủ hiện đại S-400 không đồng nghĩa với việc Nga "mềm hơn" trong quan điểm với TQ. Trong quá khứ, lo ngại sự trỗi dậy của quân đội TQ và thói quen "sao chép" công nghệ Nga đã cản trở Moscow bán vũ khí công nghệ cao cho Bắc Kinh.

Hơn thế nữa, trong khi tập trận chung mang tính biểu tượng thể hiện mối quan hệ mạnh mẽ hơn, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cuộc tập trận Vostok-2010 và Vostok-2014 của Nga nhằm minh chứng sức mạnh quân sự trước nhiều đối thủ giả định, bao gồm cả TQ.

Nếu cuộc tập trận Vostok tới đây có thể khẳng định việc Nga đã bớt chú tâm hơn vào TQ, giao thương vũ khí gia tăng về giá trị và hệ thống S-400 được chuyển giao đúng thời hạn, có thể nói rằng, quan hệ hai nước không còn bị giới hạn trước những lo lắng của Nga về một mối đe dọa quân sự từ TQ.

Phép thử cuối cùng là hợp tác kinh tế. Có rất nhiều diễn biến tích cực trong quan hệ kinh tế Nga - Trung kể từ năm ngoái, với nỗ lực chứng minh rằng, kinh tế Nga đã tìm ra chọn lựa thay thế phương Tây. Thương mại song phương có thể đạt 100 tỉ USD năm 2015. Tuy nhiên, sự trì hoãn với hệ thống ống dẫn Siberia cũng như lộ trình đề xuất Altai cho thấy, Nga không hẳn là nguồn cung cấp đáng tin cậy mà TQ hy vọng.

Phép thử với Nga là liệu họ có hay không thể đảm bảo những cam kết tham vọng trước TQ, liệu họ có thể là nhà cung cấp đáng tin cậy cho khách hàng TQ và mở rộng quan hệ kinh tế ngoài tâm điểm hiện nay là năng lượng?

Rất nhiều câu hỏi đặt ra về việc làm sao để Nga phát triển quan hệ với TQ vượt qua một cuộc hôn nhân vụ lợi và hướng tới liên minh chiến lược thực sự. Phương Tây không nên không chú tâm tới mối quan hệ ngày một ấm lên này nhưng cũng không bỏ qua thực tế rằng, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với những phép thử quan trọng.

Thái An (Theo EuropeanLeadershipNetwork)