- Tôi nhớ mình đã thức đến 3 đêm mà chẳng buồn ngủ. Ngày ít ăn mà vẫn thấy no. Hạnh phúc căng tràn lồng ngực - nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp chia sẻ ký ức ngày 30/4/1975 của ông.

Sau 40 năm, trong ký ức người lính, cựu binh Binh đoàn 232 Lê Doãn Hợp từng có mặt trong đoàn quân từ hướng Tây Nam tiến về Sài Gòn vẫn nguyên vẹn những cảm xúc của ngày thống nhất.

Một tháng làm quân quản ở Sài Gòn có những đêm thức trắng với "hạnh phúc lớn nở căng tràn lồng ngực". Nhất là đêm 30/4/1975, ngày cảm xúc đặc biệt nhất mãi không phai trong ký ức của ông.

Không gian cảm xúc của người lính với ngày thống nhất đất nước ngày đó có thể hình dung thế nào, thưa ông?

Có một bài thơ tôi viết vội trong đêm 30/4 và ngày 1/5/1975 có thể phần nào hình dung không khí của ngày thống nhất:

Hào khí Điện Biên tràn vào phố lớn/ Ba mươi năm dồn nén một ngày/ Người và cờ cuồn cuộn tung bay/ Ta sống rồi, đẹp lắm hôm nay/ Giờ giới nghiêm quân ta vẫn thức.

Hạnh phúc lớn căng tràn lồng ngực/ Bỗng dưng nhớ những người đã khuất/ Mong các anh về vui cùng dân tộc/ Bắc - Trung - Nam cả nước một nhà.

Đêm tuần tra cho dân ngủ theo ca/Ngày xuống phố giúp dân mình làm chủ/ Đời lính sang trang bao điều ấp ủ.

Sống cho mình mà ngỡ như mơ/ Sài Gòn tháng năm rực rỡ sao cờ/ Khắc vào lòng mình những nốt nhạc vần thơ.

{keywords}
Ông Lê Doãn Hợp (thứ hai từ phải sang, hàng đứng) thời ở quân ngũ

Tôi nhớ mình đã thức đến 3 đêm mà chẳng thấy buồn ngủ. Ngày ít ăn mà vẫn thấy no. Cảm giác sau ngày toàn thắng với người lính còn sống hạnh phúc lắm. Vì chiến tranh qua quá khốc liệt, những ai đi B trước năm 1968 thì 10 người ra trận có thể 9 người đã hy sinh.

Khi tham gia trong đoàn quân quản ở Sài Gòn 1 tháng, tôi nhớ đến giờ giới nghiêm, thành phố im phăng phắc, chỉ có bộ đội đi ngoài đường. Nhưng đến 5 giờ, hết giờ giới nghiêm, tất cả dắt xe ra đường cuồn cuộn, tiếng rao hàng, phố xá... Bộ đội đi trên đường dân mời vào uống cafe, ăn phở không lấy tiền, đi bộ dân mời lên xe, không khí đó bây giờ vẫn lưu mãi.

Vị thế hội nhập toàn diện

Đất nước sau ngày thống nhất đến nay 40 năm đạt được những thành tựu về phát triển, đổi mới nhưng cũng còn phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện. Từng là Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin, rồi sau đó là Thông tin - Truyền thông, quan sát thực tiễn, theo ông đâu là những kết quả quan trọng nhất, cũng như còn điều gì phải tiếp tục?

Thành quả 40 năm qua có nhiều cái được. Nền kinh tế đã tạo được động lực phát triển, đa phương hóa các quan hệ quốc tế với các đảng cầm quyền, chấp nhận đa thành phần kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, hợp tác quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Vai trò, vị trí của VN trên trường quốc tế được khẳng định.

Những cũng có những hạn chế, tồn tại, theo tôi có 3 điểm cơ bản. Thứ nhất đổi mới kinh tế nhanh nhưng đổi mới cơ chế chính sách vẫn chậm trễ, đặc biệt là quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quản lý tài nguyên, quản lý bất động sản. Tồn tại thứ hai là chưa dũng cảm so mình với thế giới, tự mình đang tụt hậu, chậm thức tỉnh. Tồn tại thứ ba là chưa đẩy mạnh công tác chuyển giao cán bộ theo hướng Đảng lãnh đạo công tác tranh cử, tạo đủ thông tin cho dân chọn lựa để bầu.

Dũng cảm dứt khoát sẽ khác

Chúng ta có những điểm mạnh nào để tạo đòn bẩy, thưa ông?

Thực ra nếu so sánh, mình đi chậm hơn so với các nước đi qua chiến tranh. Hãy nhìn Nhật Bản, Hàn Quốc đã cất cánh ra sao. Chúng ta sau 40 năm có đủ tất cả các yếu tố để cất cánh nhưng chuyển động vẫn còn rất khiêm tốn.

Đó là một thế hệ dân số vàng, trẻ tuổi, khỏe mạnh, thông minh, hiểu biết, nhanh nhạy. Có lẽ mình quen tư duy truyền thống là luôn luôn so mình với ngày hôm qua. Nếu mình dũng cảm so mình với thế giới thì mình mới bật lên được. Quan điểm của tôi là bây giờ phải dũng cảm so mình với thế giới trên từng lĩnh vực mà mình đang làm, xem mình đang ở đâu và mình phải làm gì để không thua em kém chị trong thời đại toàn cầu hóa.

Chúng ta thu hút được hơn 7 triệu khách du lịch, là kết quả rất phấn khởi, nhưng Campuchia có 14 triệu dân đã có 4,6 triệu du khách rồi. So sánh để biết người, biết mình. Nếu không biết so sánh trong thời đại toàn cầu hóa là tự ru ngủ, thụt lùi, tụt hậu.

Ngoài tháo bỏ tư duy đó ra thì mình phải làm gì nữa để cất cánh khi các yếu tố đã đủ, theo ông?

Phải hiểu, mở rộng dân chủ sẽ làm cho chế độ tốt lên. Dân chủ là để dân được tham gia những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, dân chủ là để dân giám sát, dân chủ để tập hợp trí tuệ; dân chủ để thông thoáng tư tưởng, để ít phạm sai lầm sẽ làm cái đúng được nhiều hơn.

Xuân Linh - Hồng Nhì