- Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ trả lời báo chí bên lề tọa đàm “Xây dựng HTX kiểu mới trong nông nghiệp như thế nào” do Ban Kinh tế TƯ cùng MTTQ và một số cơ quan tổ chức sáng 11/4.

Khắc phục căn nguyên bệnh “được mùa mất giá”

Từ khi có luật HTX năm 2012 đến nay, số lượng HTX hình thành mới không đáng kể, phần lớn hoạt động kém hiệu quả. Vậy theo ông, cần nhìn nhận lại vấn đề kinh tế tập thể nói chung và kinh tế hợp tác nói riêng trong tình hình hiện nay như thế nào?

Một mặt kinh tế hộ chúng ta vẫn phải tập trung thúc đẩy lên, kể cả hình thành mô hình trang trại trong điều kiện chăn nuôi, sản xuất quy mô lớn đòi hỏi phải có mức độ nào đó thì mới đạt hiệu quả. Như bò sữa ở Mộc Châu mà mỗi hộ gia đình chỉ nuôi từ 5-7 con bò sữa thì không hiệu quả. Do đó cần có tích tụ ruộng đất, cần có hình thức để thành lập các mô hình trang trại. Thực chất vẫn là phát triển kinh tế hộ nhưng ở mức độ cao hơn ở tầm nông trại bên cạnh HTX.

{keywords}
Chủ tịch UB TƯ MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Hoàng Long

Kinh nghiệm ở nhiều nơi, những nơi nào có doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị như công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang tham gia vào các chuỗi giá trị, chống lưng cho hộ nông dân và HTX thì nơi đó HTX có đất để phát triển và thành công. Hiện nay các HTX của chúng ta dù hình thành kiểu mới nhưng mới chỉ phục vụ đầu vào là chính, chỉ có 9% HTX làm dịch vụ đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đó là căn nguyên của phát triển bền vững, khắc phục câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vì vậy phải có liên kết giữa các hộ với HTX với các DN tạo ra những chuỗi giá trị của các hộ, HTX, các DN gắn với các thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông để tạo đột phá trong mô hình HTX kiểu mới cần có giải pháp gì trong thời gian tới?

Trước hết cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX. Nhận thức đúng đắn về HTX nông nghiệp kiểu mới. Phải thông cái đầu trước đã. Kế đến là cùng với việc chú trọng phát triển các HTX kiểu mới theo quy định của pháp luật, cần thực hiện tốt việc chuyển đổi các HTX nông nghiệp thành lập trước luật Hợp tác xã năm 2003; giải quyết dứt điểm nợ đọng kéo dài; nâng cao năng lực quản trị, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã; chấm dứt sự can thiệp hành chính vào hoạt động của HTX.

Đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả luật HTX năm 2012, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách phát triển HTX. Ngoài ra phải gắn việc chỉ đạo xây dựng HTX với chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, tạo được bước đột phá và xây dựng HTX kiểu mới. Trong đó phải thay đổi các hình thức quản lý, cách thức ứng xử đối với các mô hình tổ hợp tác, HTX từ mệnh lệnh hành chính, cơ chế xin - cho sang các quan hệ hợp tác, đối tác.

Chúng ta đã có luật HTX và khá nhiều chính sách về vấn đề này nhưng nhiều HTX phàn nàn tình trạng nhiều chính sách chưa đi vào cuộc sống?

Đúng là chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể nói chung và hợp tác nói riêng có nhiều và thiết thực nhưng qua thực tiễn thì đi vào cuộc sống chưa được nhiều.

Thậm chí có những chính sách rất ưu việt nhưng chưa ngấm được vào cơ sở. Điển hình là đã có chính sách cho các HTX vay vốn không phải thế chấp đến 500 triệu đồng nhưng thực tế chưa thực hiện được việc này. Ngân hàng vẫn yêu cầu những cơ chế, thủ tục mà người nông dân và HTX không tiếp cận được vốn cần thiết.

Trong lần sơ kết về kinh tế tập thể chúng tôi đã kiến nghị theo hướng một mặt chúng ta tổ chức thực hiện những gì chúng ta đã có, tăng cường sự phối hợp của các bộ ngành và địa phương. Thứ hai, những gì bất cập thì cần rà soát và điều chỉnh, bổ sung chính sách mới, hỗ trợ cho kinh tế tập thể phát triển xứng đáng với vị trí của mình.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân có đề nghị xây dựng một nghị quyết chuyên đề về vấn đề HTX kiểu mới để trình Bộ Chính trị. Ban Kinh tế TƯ có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Đảng đã có chuyên đề về vấn đề này từ 15 năm trước, từ hội nghị TƯ 5 khóa 9. Sau đó Ban Bí thư đã có sơ kết 5 năm và năm 2012 Bộ Chính trị đã sơ kết năm thứ sáu để tiếp tục triển khai nghị quyết TƯ 5 về kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác.

Trên tinh thần đó, Ban Kinh tế TƯ được Ban Bí thư giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ KHĐT và các cơ quan của Quốc hội, cùng với sự ủng hộ và chỉ đạo của Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân liên tục tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo.

Trong năm nay chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết 3 năm (từ khi có luật HTX 2012), trên cơ sở nhiều chuỗi sự kiện này đến tháng 5 hoàn thành báo cáo sơ kết để tháng 6 tổ chức hội nghị toàn quốc. Sau hội nghị này chúng tôi sẽ có báo cáo và có những kiến nghị lên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kinh tế tập thể nói chung và kinh tế hợp tác nói riêng.

       Tăng thu nhập cho nông dân
HTX là loại hình hoạt động kinh tế “sinh sau, đẻ muộn” so với loại hình kinh tế cá thể, kinh tế hộ và loại hình doanh nghiệp tư bản và đang tiếp tục phát triển. Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bản chất của HTX không phải là sự phủ định, thay thế kinh tế hộ, mà làm cho việc sản xuất cá thể của các xã viên có sức cạnh tranh hơn, thu nhập xã viên cao hơn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, thông qua việc HTX cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp, chất lượng cao cho các hộ xã viên, qua việc phối hợp kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các hộ và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của các hộ. (Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân)

   Giúp nông dân giảm đầu vào đảm bảo đầu ra
Thông qua HTX, xã viên sẽ được hưởng lợi từ việc mua với khối lượng lớn các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, áp dụng kỹ thuật, dùng chung máy móc, chế biến sau thu hoạch, bán sản phẩm… Việc “mua chung” thông qua HTX sẽ giảm được chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Muốn xây dựng thương hiệu nông sản, vươn ra thành thị để chiếm lĩnh thị trường, các hộ gia đình phải kết hợp với nhau thành một pháp nhân. HTX có năng lực đàm phán gia nhập thị trường cao hơn và hiệu quả hơn hẳn so với từng hộ riêng lẻ. (Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Lưu Đức Khải)

Thu Hằng