Văn kiện quan trọng nhất của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đã được thông qua chiều nay (1/4) tại phiên bế mạc.

Tuyên bố được đưa ra sau khi các nghị sĩ đến từ 133 nước và 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực, tề tựu tại Hà Nội, xem xét lại các mục tiêu phát triển bền vững đang nổi lên và xem xét vai trò của mình để đạt được các mục tiêu này.

{keywords}
Các đại biểu tại IPU. Ảnh: VOV

Tuyên bố nêu rõ: Kinh nghiệm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho thấy, chỉ với ý chí chính trị, sự lãnh đạo mạnh mẽ và vai trò làm chủ của quốc gia, mới có thể đạt được những cam kết quốc tế.

"Là nghị sĩ, chúng ta có nghĩa vụ phải hành động", Tuyên bố nhận định việc thông qua chương trình phát triển mới giai đoạn sau 2015 và những mục tiêu phát triển bền vững vào tháng 9/2015 sẽ đem lại một cơ hội có một không hai để ứng phó với các thách thức toàn cầu, sử dụng cách tiếp cận phổ cập và toàn diện áp dụng cho tất cả các quốc gia và gắn vấn đề xoá đói nghèo với phát triển bền vững.

Tuyên bố khẳng định tầm nhìn của các nghị sĩ: lấy người dân làm trung tâm trong sự phát triển bền vững, dựa trên việc thực hiện tất cả các quyền con người, nhằm xoá nghèo dưới mọi hình thức, và xóa bỏ bất bình đẳng, từ đó trao quyền cho mỗi cá nhân phát huy được hết tiềm năng của họ. Điều này đòi hỏi phải có hoà bình và an ninh quốc tế, dựa trên sự tôn trọng đầy đủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. 

"Cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm đòi hỏi phải có công bằng trong lĩnh vực môi trường: hành tinh và tất cả hệ sinh thái phải được xem là tài sản chung của toàn thể nhân loại hiện nay và trong tương lai. Con người phải là động lực cho tất cả các chính sách phát triển bền vững, và các tiến bộ cần được đánh giá không chỉ bằng GDP mà còn các biện pháp khác. Không nên chỉ coi người dân là những người trả thuế và người tiêu dùng mà phải xem họ là những công dân có quyền và nghĩa vụ. Chúng ta phải đầu tư vào người dân – vào sức khoẻ, dinh dưỡng, giáo dục, và kỹ năng của họ - coi họ là nguồn lực quan trọng nhất của chúng ta. 

Tất cả các thể chế chính phủ phải mang tính đại diện và tất cả đều có thể tiếp cận được. Cần có sự tôn trọng các khác biệt về văn hoá, và cần tiếp thu những cách tiếp cận địa phương đối với vấn đề phát triển bền vững. Tất cả người dân, không phân biệt giới tính, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo, và tình trạng sức khoẻ, phải được trao quyền để họ có thể hợp tác vì hoà bình và sự thịnh vượng chung", Tuyên bố nêu rõ.

Tuyên bố Hà Nội cam kết "nỗ lực hết mình tăng cường vai trò quốc gia làm chủ các mục tiêu, cụ thể là phổ biến các mục tiêu trên cho cử tri của mình. Người dân phải hiểu những mục tiêu trên có liên quan đến đời sống của họ như thế nào. Là đại diện cho nhân dân, chúng ta có trách nhiệm đảm bảo tiếng nói của mỗi người dân đều được phản ánh trong tiến trình chính trị đó, không phân biệt địa vị xã hội của họ. Cam kết nội luật hóa những mục tiêu, trong đó có vấn đề phân bổ ngân sách. Mỗi nước phải nỗ lực thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo hoàn tất được các mục tiêu trên".

Tuyên bố cũng chỉ ra hành động: đảm bảo các chính phủ có trách nhiệm với những mục tiêu mà họ cam kết thực hiện, và đảm bảo các luật và ngân sách liên qua được thông qua.

"Chúng ta thúc giục chính phủ các nước khi đàm phán cần nhớ tới nhu cầu thực tế và kỳ vọng của công dân và giải quyết mối liên kết quan trọng giữa phát triển bền vững, quản trị dân chủ và nhân quyền", Tuyên bố nêu.

Thông điệp trọng tâm của Tuyên bố Hà Nội sẽ được phản ánh trong kết quả của Hội nghị Thế giới LHQ trong tháng 9. 

Theo VOV