- Lực lượng điệp báo của an ninh T4 đã tiếp cận Tổng thống Dương Văn Minh, tác động sĩ quan, binh lính chính quyền Sài Gòn "án binh bất động", bảo quản hồ sơ, tài liệu, kết hợp với các tổ chức quân báo tổ chức các đường dây giao liên dẫn đường 5 mũi tiến công vào Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Hoạt động đó được Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang nhắc lại tại hội thảo khoa học "Vai trò của lực lượng công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM" ngày 29/3.

  {keywords}

Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Nhìn lại 70 năm của lực lượng công an nhân dân, Đại tướng Trần Đại Quang nhắc đến giai đoạn lịch sử quan trọng của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi mang tên "An ninh T4". Lực lượng an ninh T4 là cái tên thay cho "Công an đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn" của thời chống Pháp.

Trong tình thế cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, một bộ phận của "Công an đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn" tập kết ra Bắc, phần lớn ở lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cấp ủy, bảo vệ các tổ chức cách mạng miền Nam nói chung, thành phố Sài Gòn - Gia Định nói riêng.

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, thời kỳ đó, An ninh T4 đã phối hợp với các lực lượng cách mạng và yêu nước vận động quần chúng tham gia các cuộc đấu tranh chính trị. An ninh T4 đã xây dựng được ngày càng nhiều cơ sở trong thành phố, tổ chức được các đường dây giao liên và chuyên chở tài liệu, vũ khí, phương tiện vào thành phố, phục vụ đắc lực cho chiến dịch của ta.

Cùng với đó, An ninh T4 một mặt bảo vệ Khu ủy an toàn, xây dựng hàng trăm lán trại, đào hàng chục nghìn hầm, hàng nghìn mét địa đạo để cán bộ cách mạng tránh bom, pháo, có nơi ăn, ở, làm việc an toàn. Những cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu, chống địch càn quét, đánh hàng trăm trận, tiêu diệt hàng chục nghìn tên địch, bắn cháy và phá hủy hàng trăm xe quân sự, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, bảo vệ an toàn cơ quan và cán bộ lãnh đạo, nhiều chiến sĩ đã lấy thân mình che đạn pháo địch để bảo vệ cán bộ lãnh đạo hoặc thu hút hỏa lực địch về phía mình để đồng đội phá vỡ vòng vây, đưa các lãnh đạo về căn cứ an toàn...

Bộ trưởng cũng cho biết, trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, An ninh T4 đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân nổi dậy từ vùng ven đô đến nội thành, phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích.

Lực lượng điệp báo của An ninh T4 đã tiếp cận Tổng thống Dương Văn Minh, tác động sĩ quan, bính lính chính quyền Sài Gòn "án binh bất động", bảo quản hồ sơ, tài liệu, kết hợp với các tổ chức quân báo tổ chức các đường dây giao liên dẫn đường 5 mũi tiến công vào Sài Gòn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng An ninh T4 sau giải phóng thêm một lần đổi tên, chính là Công an TP.HCM ngày nay.

Qua 30 năm đổi mới, TP.HCM được ghi nhận là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, đầu tàu kinh tế của cả nước, đầu mối giao lưu quốc tế. Trong đó, ổn định chính trị - xã hội luôn được duy trì. GS Trần Đại Quang khẳng định, thành tựu đó có sự đóng góp của Công an TP.

Xuân Linh