- Nhiều sinh viên đã được trải nghiệm khi sắm vai là những vị ĐBQH, những bộ trưởng tại mô hình phiên họp toàn thể của QH để xem xét, thông qua nghị quyết về giải quyết việc làm được tổ chức sáng nay ở Hà Nội.

Đây là một trong những hoạt động của dự án hợp tác "Quốc hội trẻ" giữa Văn phòng Quốc hội và Đại sứ quán Anh. Khoảng 400 sinh viên từ một số trường Đại học tại Hà Nội đã tham gia phiên họp này. Các bạn trẻ được vào vai lãnh đạo của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, những ĐBQH trong phiên thảo luận nghị quyết.

Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, thực chất có nghề trước nay ta chưa bao giờ đào tạo, ngày hôm trước bầu, ngày hôm sau làm đó là nghề làm ĐBQH, đây là nghề cực kỳ khó.

{keywords}

Theo dõi một phiên giải trình chất vấn trong chuỗi hoạt động này diễn ra đầu tháng 1 vừa qua, ông cảm thấy hoàn toàn bất ngờ với các sinh viên trẻ về những lập luận logic, có chứng cứ, văn hóa tranh luận cao.

Ông Dũng nhận định, đây là chương trình lần đầu tiên có thể truyền tải kiến thức, kỹ năng làm đại biểu QH, để khi trở thành một nghị sĩ thì sẽ không còn bỡ ngỡ. "Tôi hoàn toàn hy vọng QH ta trong tương lai sẽ rất xuất sắc và đất nước được tươi sáng".

Mô hình phiên làm việc của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đã gây hứng thú lớn cho sinh viên. Nhiều ý kiến  từ các sinh viên sắm vai đại biểu QH được đưa ra như bổ sung giảm tỷ lệ sinh viên thất nghiệp khi ra trường, chính sách hỗ trợ sinh viên ra trường khi phải trả nợ vốn vay, nhu cầu tuyển dụng của một số cơ quan doanh nghiệp ít, lại đòi hỏi phải có kinh nghiệm dẫn đến tình trạng sinh viên phải làm trái ngành, trái nghề; điều chỉnh chính sách tiền lương cho người mới ra trường; cơ chế ưu đãi nguồn nhân lực trẻ tài năng, sự cần thiết của việc ra đời nghị quyết...

Lần đầu vào vai Phó Chủ tịch QH điều hành phiên họp thảo luận, sinh viên Ngô Lê Mỹ Linh (ĐH Luật Hà Nội) bày tỏ có chút lo lắng và hồi hộp, tuy nhiên sau đó cũng đã bắt kịp nhịp của chương trình.

Mỹ Linh cho hay công việc này cần có sự tập trung cao độ của người điều hành.

{keywords}

Linh cũng cho rằng, để trở thành một ĐBQH thực sự, bên cạnh kiến thức thì cần nhiều yếu tố nhận thức xã hội, phải tìm hiểu xem thực trạng xã hội hiện như thế nào.

Nhận thấy chính sách cho sinh viên về việc làm là vấn đề còn nan giải, Linh cho hay không nên để một ngành nào đó giải quyết mà cần sự phối hợp giữa các bộ ngành với nhau để khi chính sách được ban hành, sinh viên ra trường thì vấn đề việc làm sẽ được giải quyết chứ không phải ban hành chỉ trên lý thuyết, giấy tờ.

Từng vào vai Bộ trưởng LĐ-TB&XH nhận nhiều câu hỏi chất vấn về vấn đề việc làm tại một phiên giải trình của QH trước đó, lần này cô sinh viên của ĐH Luật Hà Nội Lê Thị Hồng Hạnh đóng vai ĐBQH tham gia thảo luận các nội dung của nghị quyết giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Hạnh chia sẻ: "Khi sắm vai Bộ trưởng LĐ-TB&XH em phải chịu chất vấn của các vị đại biểu, việc truy cứu trách nhiệm, vai trò bộ trưởng thế nào là phải giải trình rõ. Hôm nay sắm vai là ĐBQH bàn, thảo luận các nội dung của nghị quyết thì vai trò khác hẳn nhau. Ở đây tiếng nói của mình được rõ ràng hơn, có tán thành hay không điều khoản nghị quyết, điều này làm bản thân em thấy tự tin hơn, khả năng diễn thuyết cũng được tốt hơn".

Hồng Nhì