Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, đề nghị nâng thị xã Bắc Kạn lên thành phố chủ yếu là do nhu cầu quốc phong an ninh, bảo vệ biên giới Tổ quốc. 

Tại phiên họp của UBTVQH sáng nay, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình 4 đề án điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương.

Trong đó đề nghị thành lập thành phố Bắc Kạn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, nhân khẩu và đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Bắc Kạn. Thành phố Bắc Kạn mới dự kiến có 8 đơn vị hành chính, gồm 6 phường và 2 xã.

{keywords}
Thị xã Bắc Kạn hiện nay. Ảnh: VOV

Theo tờ trình, thị xã Bắc Kạn đã đạt 9/10 tiêu chuẩn thành lập thành phố, chỉ còn một tiêu chuẩn chưa đạt là quy mô dân số. Trong số các tiêu chuẩn chức năng đô thị thì chưa đạt về thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ tăng dân số hàng năm.

Dự kiến tổng số vốn để phát triển và xây dựng thành phố Bắc Kạn là hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 35%.

Thảo luận về đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu băn khoăn việc thị xã Bắc Kạn chưa đạt tiêu chí về dân số để trở thành thành phố. 

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển muốn làm rõ nguồn vốn và việc huy động vốn cho các hoạt động điều chỉnh địa giới hành chính này.

Trong khi đó, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, Trung tướng Bế Xuân Trường ủng hộ việc nâng thị xã Bắc Kạn lên thành phố vì đây vừa là nôi cách mạng, vừa là địa bạn trọng yếu về an ninh quốc phòng, và đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội.

Chủ tịch HĐ Dân tộc QH Ksor Phước đồng tình việc xây dựng thành phố Bắc Kạn là cần thiết để tạo ra một trung tâm động lực phát triển cho khu vực. 

"Nên chấp nhận một số tiêu chí chưa đủ mà nhìn vào triển vọng phát triển và ý nghĩa chính trị của Bắc Kạn. Rút kinh nghiệm từ các thành phố khác, Bắc Kạn cần được quy hoạch bài bản, đồng thời phải gìn giữ bản sắc văn hóa của một vùng có nhiều dân tộc thiểu số", ông Ksor Phước nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, đề nghị nâng thị xã Bắc Kạn lên thành phố chủ yếu là do nhu cầu quốc phong an ninh, bảo vệ biên giới Tổ quốc. 

"Chính phủ rất quan tâm đến yếu tố quốc phòng an ninh, cũng như những nguy cơ di dân tự do, tranh chấp đất đai mà các ủy viên Thường vụ QH nêu", ông Bình nói.

Về biên chế, Bộ trưởng Nội vụ cho biết trong khuôn khổ đề án tinh giản biên chế chung, Chính phủ đã làm rõ không tăng biên chế và tuyển vào bằng một nửa số cho ra, nên các địa phương sẽ phải có sự tự điều chỉnh trong nội bộ. 

Ông tiếp thu kiến nghị của UB Tài chính Ngân sách và cam kết các lần trình sau sẽ có các phương án vốn cụ thể.

Ngoài Bắc Kạn, Chính phủ cũng đề nghị thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, nhân khẩu và đơn vị hành chính cấp xã của huyện Đông Triều. Thị xã Đông Triều mới sẽ có 6 phường.

Đề nghị thành lập thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, nhân khẩu và đơn vị hành chính cấp xã của huyện Điện Bàn. Thị xã Điện Bàn mới sẽ có 7 phường.

Đề nghị thành lập mới huyện Ia H’Drai trên cơ sở điều chỉnh diện tích tự nhiên, nhân khẩu và đơn vị hành chính của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Tỉnh Kon Tum như vậy sẽ có thêm một huyện.

Đây là lần đầu tiên UB Thường vụ QH cho ý kiến về việc điều chỉnh địa giới hành chính, cũng là lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn mới được Hiến pháp quy định: Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Biểu quyết thông qua cả 4 đề án trên, UB Thường vụ QH cũng yêu cầu Chính phủ rút kinh nghiệm các lần trình đề án sau cụ thể hơn về kinh phí, biên chế.

Chung Hoàng