Một căn cứ không quân ở đảo Okinawa đã trở thành tiền đồn cho cuộc thử nghiệm ý chí đầy nguy hiểm giữa hai cường quốc lớn nhất châu Á là Nhật và TQ.

{keywords}
Phi công tại căn cứ không quân Naha. Ảnh: Nytimes
Ít nhất mỗi lần một ngày, các máy bay chiến đấu F15 của Nhật lại được triển khai để ngăn chặn máy bay nước ngoài, hầu hết đến từ TQ. Phi công Nhật nói rằng, họ thường xuyên phải đối mặt với các máy bay do thám bay sát không phận Nhật Bản. Nhưng đôi khi, họ phải đối mặt với các máy bay chiến đấu TQ trong nỗ lực thử nghiệm kỹ năng lái, kiểm soát thiết bị.

“Ngăn chặn máy bay chiến đấu luôn là điều gây tổn hại thần kinh", chỉ huy phi đội của khoảng 20 máy bay chiến đấu F-15 đóng ở căn cứ Naha, đảo Okinawa nói. “Chúng tôi giữ đất của chúng tôi, nhưng chúng tôi không bị kích động".

Những cuộc đối đầu ở Hoa Đông khiến cho không phận ở vùng biển chiến lược này trở thành một điểm nóng nhất trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách của Lầu Năm Góc quan ngại rằng, một sự cố xảy ra có thể dẫn tới xung đột có khả năng kéo Mỹ vào cuộc. Nhật từ chối lui bước trước các thách thức trong khi TQ thúc đẩy chiến dịch phô diễn sức mạnh để giành quyền kiểm soát các vùng biển gần và khiến Nhật phải tìm cách thoát khỏi chiếc áo hiến pháp hòa bình thời hậu chiến.

Dưới thời Thủ tướng tôn thờ chủ nghĩa dân tộc Shinzo Abe, Nhật đã tiến hành cuộc đại tu toàn bộ lực lượng và quan điểm quân sự. Không chỉ có ông Abe khôi phục ngân sách quân sự sau cả thập niên sụt giảm, mà chính phủ của ông cũng đang nỗ lực cải tổ luật pháp, dỡ bỏ hạn chế đối với lực lượng vũ trang, tiến tới nắm giữ vai trò tích cực hơn ở những địa hạt xa hơn như vịnh Aden.

Trọng tâm chiến lược của ông Abe là tạo ra một "hồ sơ phổ biến" hơn cho quân đội Nhật - lực lượng phòng vệ - vốn bị hạn chế trong sứ mệnh bảo vệ nước Nhật từ khi ra đời năm 1954. Mặc dù ông Abe không có đủ sự ủng hộ của người dân cho mục tiêu lâu dài là thay đổi hiến pháp, cho phép Nhật có một quân đội hoàn chỉnh và toàn diện, nhưng ông vẫn đang thúc đẩy vai trò của quân đội nhằm triển khai một chính sách ngoại giao quyết đoán hơn và đối phó với sự trỗi dậy của quân đội TQ.

“Người Nhật đang nói rằng, có thể với một TQ đang lên, chúng ta phải có tư duy khác", Sheila A. Smith, nhà nghiên cứu cấp cao về Nhật tại Hội đồng Đối ngoại ở Washington nói. “Lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2, Nhật đang tự đưa họ lên tuyến trước. Và cũng lần đầu tiên họ đang tự hỏi mình về một kế hoạch phòng thủ độc lập là thế nào”.

Tái thiết sau sự thất bại của Nhật năm 1945 với sự khuyến khích của Mỹ, quân đội với công nghệ hiện đại Nhật ở vị trí thứ yếu so với lực lượng Mỹ, góp phần tuần tra các hải trình chiến lược. Tuy nhiên, trải qua nhiều thập niên, vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật đã mở rộng. Nước này đã gửi 1.000 quân phi tác chiến tới Iraq năm 2004 - sự triển khai quân sự lớn nhất kể từ sau Thế chiến 2.

Nhật cũng đang dần xây dựng một quân đội lớn hơn các cường quốc tầm trung khác như Pháp hay Israel mặc dù vẫn nhỏ hơn nhiều đội quân khổng lồ 2,3 triệu người của TQ.

Lực lượng phòng vệ Nhật giờ đây đã hiện diện rõ ràng hơn ở đảo Okinawa so với trước đây. Trong mắt người dân, họ được phân công nhiệm vụ lớn hơn, cụ thể hơn đó là một sứ mệnh.

Tài sản mạnh nhất

Căn cứ Naha chỉ cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư khoảng 20 phút bay. Hòn đảo này hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật nhưng TQ cũng yêu sách chủ quyền.

Những năm gần đây, khi TQ gia tăng áp lực bằng cách điều thêm nhiều máy bay và tàu để tuần tra quần đảo, Nhật đã triển khai máy bay ngăn chặn cũng như đẩy mạnh hoạt động của các máy bay trang bị hệ thống rađa E2 để theo dõi các động thái của TQ.

Đối đầu ở quần đảo thực chất là một cuộc chiến ủy nhiệm rộng hơn thể hiện sự thay đổi trong cân bằng quyền lực tại châu Á khi TQ bắt đầu đảo ngược vị thế bấy lâu của Nhật. Các nhà hoạch định quân sự TQ đã gọi quần đảo Okinawa là "chuỗi đảo phòng thủ đầu tiên", nghĩa là họ hy vọng cuối cùng sẽ có thể kiểm soát được vùng biển phía tây nước Nhật, nơi Mỹ và Nhật nắm giữ từ lâu.

Trong khi một nước Nhật với tốc độ tăng trưởng thấp ý thức được rằng khó có thể theo kịp mức chi tiêu quân sự đang gia tăng nhanh chóng của TQ, thì họ cũng nỗ lực củng cố khả năng của lực lượng phòng vệ, ngăn chặn TQ không giành lấy các đảo tranh chấp. Những cải tổ trong luật định của chính phủ ông Abe là nhằm giải phóng quân đội, để họ rảnh tay ứng phó trong trường hợp bị tấn công. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn, đưa Nhật Bản trở thành một đối tác quân sự đầy đủ của Mỹ, đồng thời đảm bảo Washington sẽ xuất hiện hỗ trợ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột trên các đảo.

Các nhà phân tích quốc phòng và giới chỉ huy Mỹ nhất trí rằng, tài sản mạnh nhất của Nhật chính là lực lượng phòng vệ hàng hải MSDF, vốn được coi là lực lượng hải quân tinh nhuệ thứ hai thế giới sau Mỹ. Theo giới chỉ huy Mỹ, với truyền thống sở hữu đội tàu chiến mạnh, lại thêm khí tài hiện đại như hệ thống rađa Aegis, người Nhật được coi là có lực lượng hải quân duy nhất (có thể ngoại trừ Anh) có khả năng làm việc đầy đủ và liên tục với hạm đội Mỹ.

“MSDF là đồng minh hàng hải có khả năng nhất mà chúng tôi có", phó đô đốc Robert L. Thomas Jr., chỉ huy Hạm đội 7 nói.

Trong khi hải quân TQ đã có tàu sân bay đầu tiên năm 2012 thì giới phân tích quốc phòng cho rằng, Nhật vẫn còn đi trước TQ cả thập niên về công nghệ và kinh nghiệm hoạt động tàu chiến cỡ lớn. Nhật cũng có nhiều tàu lớn, hoạt động ở biển xa như các tàu khu trục, một số tàu ngầm siêu thanh hiện đại nhất thế giới.

Năm ngoái, Nhật đã ra mắt tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến 2 gọi là tàu Izumo có khả năng như một tàu sân bay nhỏ. Izumo là một phần trong nỗ lực xây dựng quân đội "di động" của Nhật, giúp nước này có thể phòng thủ ở những đảo xa có hoặc không có sự hỗ trợ của Mỹ nếu cần thiết.

Tuy nhiên, về phía TQ, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng đã cho phép họ mở rộng chi tiêu quốc phòng ngày một lớn. Trong khi ngân sách quốc phòng của Nhật tăng 2,8% lên mức kỷ lục 42 tỉ USD năm 2015 thì TQ mới đây tuyên bố, con số này sẽ tăng 10,1% ước tính lên tới 145 tỉ USD.

Tại căn cứ không quân Naha, các phi công Nhật nói rằng, họ luôn sẵn sàng và tham gia huấn luyện liên tục. Một buổi sáng, họ đã điều động hai chiếc F15 để đối phó với một vụ xâm nhập mô phỏng của ba chiếc F15 khác.

Ngày càng có nhiều máy bay TQ ở Hoa Đông nên Naha cũng ngày càng bận rộn, tới mức căn cứ này đã có thêm phi đội F15 thứ hai năm nay. Trong vòng 9 tháng tính tới tháng 12 năm ngoái, các phi công Nhật đã có tới 379 lần điều động để ngăn chặn máy bay nước ngoài - gấp 6 lần cùng kỳ năm 2010.

Thái An (theo Nytimes)